Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chiều sâu cho hương ước, quy ước

Thanh Thủy| 20/05/2018 06:20

(HNM) - Từ lâu, hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã, giúp hạn chế, đẩy lùi những phong tục, tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh.

Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là giải pháp để những bản thỏa thuận chung này thực sự có chiều sâu, phát huy được sức mạnh trong đời sống cộng đồng.

Nhờ thực hiện hương ước, quy ước, người dân xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) đã phát huy tốt giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử.Ảnh: Bá Hoạt


Cần cách làm mới

Là quy phạm xã hội chứa đựng các quy tắc xử sự chung do người dân cùng thỏa thuận và tự nguyện thực hiện, hương ước, quy ước có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội, nhằm gìn giữ phong tục tập quán, duy trì an ninh trật tự trong cộng đồng làng, xã. Với 110 nghìn bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt trong tổng số 125 nghìn thôn, làng được rà soát (chưa kể gần 9,9 nghìn bản đang trong quá trình xây dựng và chờ phê duyệt), bản cam kết đặc biệt này tiếp tục khẳng định vị trí trong công cuộc xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Trong các hương ước, quy ước, những đặc trưng của địa phương đã được đưa vào. Điển hình là hương ước của các thôn, làng thuộc huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… tỉnh Phú Thọ có quy định: Không bán nhà sàn từ 50 tuổi trở lên để tránh “chảy máu nhà sàn”; mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ, Tết; không chặt cây, lấy củi trong rừng nguyên sinh, không khai thác thạch nhũ trong hang, động; khôi phục điệu múa truyền thống của người Mường…

Các thôn, làng, tổ dân phố ở các thị xã, huyện: Sơn Tây, Hoài Đức, Thanh Trì… của Hà Nội quy định: Quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng hạ tầng công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn để sản xuất, xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy hoạt động giáo dục, khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng dân trí ở địa phương; khôi phục các nghi lễ truyền thống trong hoạt động lễ hội…

Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện những bản thỏa thuận chung này vẫn còn không ít tồn tại, bất cập. Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân cho biết, vẫn còn tình trạng xây dựng hương ước, quy ước không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương; nội dung còn sơ sài, dập khuôn các quy định của pháp luật, hương ước, quy ước mẫu, mà bỏ qua những đặc điểm, điều kiện của địa phương. Không ít điều khoản không đúng tinh thần pháp luật, can thiệp sâu vào đời sống cá nhân hoặc đi ngược lại phong tục, truyền thống lâu đời.

Việc thực hiện hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt ở một số nơi còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền, phổ biến chưa thường xuyên, dẫn đến bản cam kết chung này không được vận dụng triệt để... Những hạn chế đó làm suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước trong đời sống.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hạn chế này xuất phát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nơi còn thiếu quyết liệt hoặc quá hình thức. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn lỏng lẻo, chưa đầu tư nguồn lực tương xứng cho việc này. Các văn bản pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ban hành đã lâu, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung nên nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế…

Phát huy giá trị hương ước, quy ước

Xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đưa việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất vào hương ước, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Bá Hoạt


Trước thực tế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, gồm 5 chương, 20 điều; trong đó có nhiều quy định mới: Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước do UBND cấp huyện công nhận, sau khi ban hành, phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố.

Hương ước, quy ước thuộc một trong các trường hợp: Có nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Quyết định này mà thôn, tổ dân phố không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế; nhân dân trong thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận không tiếp tục thực hiện hương ước, quy ước đã được công nhận... sẽ bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quy định. Quyết định cũng nêu rõ, kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước do ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp hiện hành cũng như khuyến khích ngân sách địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng, thực hiện.

PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc ban hành quy định nêu trên sẽ giúp hoàn thiện hơn quá trình hình thành, triển khai với mục đích xóa bỏ hủ tục lâu đời, ngăn chặn thói xấu phát sinh; bảo vệ, phát huy các giá trị truyền thống song hành với những giá trị văn hóa mới của đời sống hiện đại. Để bản cam kết chung đi sâu vào đời sống cộng đồng, các quy định cần tránh bị áp đặt, duy ý chí.

Thay vì áp dụng các hình thức phạt nên có những điều hướng dẫn cách xử sự phù hợp với nếp sống, lối sống ở địa phương, cũng như đặt ra nhiều giải thưởng, khuyến khích để người dân hào hứng tự nguyện thực hiện, từ đó nâng cao “sức mạnh”, sự ảnh hưởng của những bản thỏa thuận này. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chính quyền cấp huyện và cấp xã nên bố trí cán bộ, công chức phụ trách việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phê duyệt...

Khi những giải pháp được thực hiện đồng bộ, hương ước, quy ước sẽ có chiều sâu và phát huy hơn nữa giá trị tích cực trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chiều sâu cho hương ước, quy ước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.