Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ăn và nói

Đỗ Phấn| 20/05/2018 17:28

(HNM) - Chẳng hiểu sao người Việt xưa hay gắn hai hành động “ăn” và “nói” vào trong một thành ngữ. Khi thì ẩn dụ so sánh. Cũng có khi chỉ là răn dạy kỹ năng sống đơn thuần.


“Ăn sóng nói gió” hay “Ăn to nói lớn” là hai thành ngữ cổ tương đồng với nhau về ý nghĩa để chỉ những người khỏe mạnh bộc trực ở những vùng địa lý khác nhau. “Ăn sóng nói gió” với người mạn bể và “Ăn to nói lớn” với người đồng bằng. Thành ngữ này hoàn toàn chỉ có nghĩa bóng mà không có ai ăn được sóng hay nói phát ra gió. Nói nhanh như gió thì có. Tất nhiên bây giờ đám trẻ cũng có thành ngữ của mình là “chém gió” để nói về những người hay ba hoa bốc phét. Nhưng thành ngữ cổ cũng đã có nhiều câu để nói về chuyện này. “Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói leo” chẳng hạn. Nhiều nhà ngôn ngữ tay ngang đã kỳ công giải thích bằng kinh nghiệm sống và cả những kiến thức sinh vật lõm bõm của mình. Chẳng đi đến đâu cả. Không mất thì giờ để đi phân tích về mặt sinh vật học của những ốc, những măng, những cò làm gì. Ai cũng hiểu rằng thành ngữ ấy chỉ là để phê phán những người có cách nói năng không thật thà chuẩn mực.

“Ăn không nên đọi, nói không nên lời” là thành ngữ khác chỉ những con người kém cỏi. Đến ăn và nói mà còn không nên thì có nghĩa là con người gần như bỏ đi. Lờ mờ hiểu ra vì sao tiền nhân hay ghép “ăn” và “nói” vào cùng một thành ngữ như thế. Đó là hai hành động sơ khai nhất của một đứa trẻ khi ra đời được nhận những bài học đầu tiên làm người. Nhân loại hàng triệu năm tiến hóa nếu như thật thế thì cho đến nay con người vẫn phải học hai bài học đầu tiên ấy. Chỉ trừ khi mai đây cuộc cách mạng 4.0 hoàn thành. Người ta sẽ chế ra những robot giống người nhưng không cần học ăn và nói. Nó được chế ra đã là “người” trưởng thành rồi.

Thời hiện đại mà ta đang sống tưởng như bị cuốn theo nhiều thứ sinh hoạt thời thượng tinh vi rắc rối mà không phải thế. Vẫn chỉ là chuyện ăn và nói thôi. Cuộc sống càng hiện đại thì hình như những kỹ năng ăn và nói ngày một hao mòn. Nếu như ăn uống chỉ nhằm bổ sung một số năng lượng tính ra calo cần thiết nhất định thì tương lai ta dự bữa tiệc một món duy nhất là không xa. Thậm chí bữa tiệc sẽ chỉ còn là một viên thuốc đủ hết dinh dưỡng cũng nên. Và những món ăn lừng lẫy như chả cá, tiết canh lòng lợn, bún chả, nem rán... mà người Hà Nội xưa dày công đúc kết chế biến cũng trở thành kỷ niệm. Chợt thấy giáo dục ẩm thực của dân phố vài chục năm gần đây lộ rõ những vấn đề thiếu hụt. Người ta đua nhau viết sách dạy nấu ăn. Báo chí đăng tải những bài học cụ thể cho từng món ăn có thể chế biến tại nhà vào ngày nghỉ. Tuyệt không có những bài học dạy người ta cách ăn cả ở trường và ngoài xã hội. Đó không chỉ là một nửa mà thậm chí còn chiếm đến hai phần ba kiến thức ẩm thực của một dân phố bình thường. Thế cho nên sinh ra những là “bún mắng”, “cháo chửi” cũng là lẽ thường. Vào hàng bún bung mà cứ đòi thêm hành tây thì ăn mắng còn là rất nhẹ. Vì thế cũng không ai rỗi hơi tranh luận về độ cần thiết của hành hoa trong bát phở với kẻ không ăn hành.

Tuy nhiên, cái ăn và cách ăn gần như là chuyện cá nhân mỗi người. Nó có kém phần tinh tế tao nhã thì cũng chưa ảnh hưởng nhiều lắm đến người khác. Nhưng nói là chuyện ngược lại. Nói một mình chỉ có những người rối loạn thần kinh mà thôi. “Nói phải có người nghe” cũng là thành ngữ cổ xưa để chỉ quan hệ nghe nói diễn ra không thể khác. Nghe và nói ở phố hình như cũng bắt đầu phá vỡ những nền nếp tốt đẹp hàng trăm năm trước. Đến mức các nhà cải cách giáo dục đã phải lên tiếng trong phần biên soạn giáo khoa ngữ văn tiến tới những chuẩn mực cơ bản nhất của việc nghe, nói, đọc (hiểu), viết. Những chuẩn mực xưa nay chưa bao giờ được đặt thành câu chuyện phải dạy dỗ. Tiếc thay việc này chỉ mình nhà trường dạy dỗ con em chúng ta là chưa đủ. Và không bao giờ đủ. Cho nên thanh niên ngồi quán bia mang cốc sang mời nhau mà không hiểu nhau nói gì. Thế là sinh ra án mạng. Cho nên ngoài đường va chạm giao thông nói với nhau những lời khó nghe và khó hiểu. Kết quả là “tay chân đỡ mồm miệng”!

“Khôn dại tại miệng” cũng là một thành ngữ khác về việc ăn và nói. Cái miệng dĩ nhiên phụ trách cả hai hành động này. Thành ngữ này dùng với nghĩa lời nói khôn ngoan nhiều hơn là trình độ ẩm thực. Nó chỉ là lời răn cho đám trẻ. Thậm chí tự răn mình mà không thể dùng với những đấng bậc ngang hàng. Thế nhưng “Ăn không nói có” là thành ngữ muôn đời đúng. Những lùm xùm kiện cáo trong giới doanh nhân, showbiz phần lớn xuất phát từ những dối trá vu khống của một ai đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn và nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.