Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi nhà báo “bén duyên” nghệ thuật

Hoàng Lân| 21/06/2018 06:57

(HNMO) - Trong làng báo, không ít người từng hoặc đang là nhà báo, phóng viên, biên tập viên nhưng lại có niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật. Dù ở “vai” nào, họ cũng ít nhiều để lại dấu ấn riêng.

Tầm hồn nghệ sĩ

Nhiều nhà báo, phóng viên không chỉ là “cây bút” sắc xảo, thẳng thắn trên mặt trận thông tin mà họ còn là những người có tâm hồn nghệ sĩ, dễ rung cảm với những thay đổi của cuộc sống. Bởi thế, nhiều người vừa làm báo lại vừa là nhà văn, nhà thơ, biên kịch, nhạc sĩ, ca sĩ... Có những người nổi tiếng không chỉ trong giới báo chí mà còn cả trong giới văn học, nghệ thuật.

Nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân đã ra mắt nhiều tập thơ và truyện.


Nhà văn, nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, nổi tiếng ở cả lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật, điện ảnh lẫn sân khấu. Khi còn đảm nhiệm công tác quản lý, ông vẫn giữ chất nghệ sĩ, vận dụng ngòi bút của mình trong nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật.

Ông từng giành nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng truyện ngắn Báo Văn nghệ (1995) với tác phẩm "Ước vọng của anh tôi”, giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Tác phẩm mới (1996) với tác phẩm "Đám ma hủi", giải báo chí toàn quốc (1998) với ký sự "Một chặng đường nước Mỹ", giải thưởng Hội nghệ sĩ Sân khấu (1999) với vở kịch "Khoảnh khắc mong manh", giải thưởng Hội nghệ sĩ Sân khấu (2003) với vở kịch "Vòng xoáy".

Đến nay, ông đang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ gây tiếng vang, mà gần đây là tập thơ “Gió hoang”, được NXB Hội nhà văn in 2.000 cuốn.

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp là một trong những người theo đuổi con đường nghệ thuật rõ nét. Chị từng là biên tập viên của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh. Sau này, âm nhạc là nguồn cảm hứng để chị viết lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình với cuộc sống. Chị chuyển hẳn sang sáng tác chuyên nghiệp và trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp.


Nhạc sĩ Quỳnh Hợp có sở trường sáng tác các ca khúc đề tài xã hội, biển đảo, thiên nhiên, đất nước, đôi khi chị còn viết nhạc thiếu nhi. Đến nay, chị đã phát hành được gần 60 album ở nhiều mảng đề tài khác nhau, trong đó có nhiều album về người lính, biển đảo. Chị từng làm hai đêm nhạc riêng về người lính, đó là: “Hát với lửa hội Điện Biên” (2004), nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và “Tổ quốc nhìn từ biển” (2011), thực hiện chung với nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn…

Tham gia lĩnh vực ca hát, ở làng báo phía Bắc có nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiền Phong). Anh đồng thời phát triển sự nghiệp ở hai lĩnh vực báo chí và âm nhạc. Mạnh Hà là cây bút sắc sảo về phê bình âm nhạc. Anh dùng nghệ danh Khôi Minh khi tham gia biểu diễn, hoạt động nghệ thuật. Anh đã ra mắt album “Bộ sưu tập 09” và từng thực hiện nhiều đêm diễn riêng, trong đó đáng chú ý là minishow “Bài hát cho em”.

Mạnh Hà từng tâm sự rằng, nghề báo là nguồn sống còn âm nhạc là đam mê. Bởi thế, dù là “tay ngang” nhưng vì đam mê nên anh quyết tâm theo đuổi sự nghiệp ca hát để thoả mãn sở thích của mình.

Nhà báo Mạnh Hà hiện đang là cây bút sắc sảo mảng văn hóa.


Nhà báo Hoàng Thu Hường (Vietnamnet) cũng là gương mặt quen thuộc của điện ảnh và truyền hình. Chị từng giành giải Á khôi Người đẹp Noel năm 1995, Á khôi Hoa khôi thể thao năm 1996. Sau đó Hoàng Hường phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực điện ảnh với nhiều vai diễn trong “Thiên đường ở trên cao”, “Vào đời”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Hạnh phúc giản đơn”, “Tết này ai đến xông nhà”. Đến nay, Hoàng Hường ít tham gia công việc diễn xuất mà gắn bó lâu dài với làm báo.

Nhà báo Hoàng Thu Hường.


Ở phía Nam, câu chuyện nhiều phóng viên, biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí đột nhiên chuyển hướng làm nghệ thuật không hiếm. Thành công nhất và được nhắc đến nhiều là trường hợp của Lương Mạnh Hải. Từng là phóng viên, biên tập viên một tờ báo chuyên mảng văn hoá, Lương Mạnh Hải bỗng lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn. Anh nhanh chóng thành công và nổi tiếng nhờ những bộ phim “Tuyết nhiệt đới”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hot boy nổi loạn”…

Nghề báo mang đến nhiều trải nghiệm

Đến nay, có nhiều nhà báo dù theo đuổi đam mê nghệ thuật nhưng vẫn không từ bỏ công việc viết báo. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã không còn làm nghề báo, và họ cho rằng, nghề báo dù vất vả nhưng đã cho họ nhiều trải nghiệm thú vị.

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho biết, nghề báo giúp chị có những chuyến đi xa, kết nối được nhiều trái tim, tâm hồn để chị có thể bay bổng cùng âm nhạc. “Nghề báo có đặc thù công việc là phục vụ thông tin, giải trí cho bạn đọc, bởi thế người làm báo không có nhiều thời gian cho riêng mình. Đôi khi, ngày mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi lại là thời gian nhà báo phải làm việc vất vả hơn. Dù vậy, tôi luôn yêu nghề này, bởi công việc làm báo cho tôi cảm giác được tự do, có cái nhìn phóng khoáng, có thể làm những điều mới mẻ. Tôi thấy mình được 'lãi' ở những chuyến đi”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ.

Diễn viên Lương Mạnh Hải không còn theo nghề báo nhưng anh luôn trân trọng quãng thời gian làm nghề.


Dù không còn theo nghề báo nhưng khi nhìn lại công việc trước kia của mình, diễn viên Lương Mạnh Hải bày tỏ, anh luôn cảm ơn công việc viết báo. Đó là khởi đầu đẹp đẽ trong cuộc sống tự lập, bởi nghề báo đã cho anh cơ hội thể hiện bản thân, phát hiện tài năng diễn xuất của mình.

Công việc làm báo luôn đòi hỏi người theo nghề phải không ngừng nỗ lực, trau dồi và phải có cái nhìn khách quan trong mọi tình huống xử lý thông tin. Những áp lực, khó khăn, vất vả của công việc làm báo là có thật, nhưng nó cũng mang đến nhiều niềm vui, tự hào, để người cầm bút luôn yêu, trân trọng công việc mình đã, đang hoặc sẽ theo đuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nhà báo “bén duyên” nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.