Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thang Trần Phềnh - “Ánh ban mai” của mỹ thuật hiện đại

An Nhi| 26/08/2018 07:29

(HNM) - Thang Trần Phềnh là họa sĩ hiếm hoi của Việt Nam thành công cả ở lĩnh vực hội họa và mỹ thuật sân khấu. Điều đáng nói, ông còn là người tiên phong tạo nên dấu ấn của mỹ thuật Việt Nam mà nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi - tác giả cuốn sách “Thang Trần Phềnh (1895-1973)” vừa mới ra mắt - đã ví: “Trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Thang Trần Phềnh chính là ánh ban mai rực rỡ”.

Tác phẩm “Phạm Ngũ Lão” của họa sĩ Thang Trần Phềnh.


Đau đáu giữ hồn dân tộc

Không có nhiều thông tin về họa sĩ Thang Trần Phềnh trong sách lịch sử mỹ thuật. Ông sáng tác ở buổi đầu giao thời từ mỹ thuật cận đại đến hiện đại của Việt Nam, thời kỳ có ít người nghiên cứu và thu thập tư liệu mỹ thuật. Đến nay, công chúng chỉ biết và cảm phục tài năng của ông qua bức “Phạm Ngũ Lão” - một bức sơn dầu có không gian ba chiều hiếm hoi được sáng tác trước năm 1925, bức “Chân dung phụ nữ Lào” (sơn dầu) và “Lớp học sơ tán” (tranh lụa) hiện có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, một người Pháp gốc Việt, vừa là nhà thiết kế vừa là chuyên gia về hội họa Việt Nam, đã dành nhiều năm (từ năm 2000) nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để cho ra mắt cuốn sách tranh “Thang Trần Phềnh (1895-1973)” do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Cuốn sách là tập hợp thông tin có đối chiếu và xác thực tư liệu từ các viện nghiên cứu Đông Dương ở Pháp và gia đình họa sĩ, giúp công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam hiểu hơn về họa sĩ tài năng này.

Họa sĩ Thang Trần Phềnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông thích vẽ từ thuở nhỏ, không học thầy mà chủ yếu tự tìm tòi. Có thời gian ông vẽ tranh, bày bán trong hiệu buôn của cha mình. Ông nổi tiếng, thành danh trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Về sau, ông theo học khóa 2 của ngôi trường này.

Họa sĩ Thang Trần Phềnh vẽ với nhiều loại chất liệu, trên giấy, lụa, vải bố… bằng bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu, phẩm nhuộm… Tác phẩm của ông chủ yếu theo phong cách hiện thực, lịch sử, chạm đến cảm xúc người xem ở sự hồn hậu, chân phương, hòa quyện giữa nét truyền thống Việt Nam với hội họa phương Tây. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Thang Trần Phềnh là một người điển hình cho văn hóa buổi giao thời mà cái tinh thần đi tìm bản sắc Việt Nam rõ ở từng nét bút”.

Trong cuốn sách mới đến tay độc giả, tác giả Ngô Kim Khôi đã cất công sưu tầm ảnh nhiều tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh qua từng thời kỳ. Dù là tranh về lịch sử như “Hai Bà Trưng”, “Bà Triệu”, “Phạm Ngũ Lão” hay phong cảnh Hà Nội thế kỷ trước như “Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn”, “Chợ Bưởi”, “Cảnh hồ Hoàn Kiếm đương mùa sen nở”, “Chùa Một Cột”, “Lầu Khuê Văn”…, tranh “Ngũ hổ”, “Hoa quả bốn mùa xứ ta”… đều cho thấy nỗi niềm đau đáu giữ hồn dân tộc của họa sĩ.

Gần đây, trong lễ ra mắt cuốn sách tại Hà Nội, công chúng được thưởng thức thêm một tác phẩm về hoa sen được họa sĩ Thang Trần Phềnh vẽ năm 1954. Tác phẩm bằng màu nước mà khiến người xem cảm giác như một bức tranh lụa, với những cánh hoa trắng trong suốt, mềm mại.

Khai mở mỹ thuật sân khấu

Bên cạnh hội họa, Thang Trần Phềnh còn nổi danh với vai trò thiết kế mỹ thuật sân khấu. Thời thanh niên, họa sĩ từng lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ trên dưới 10 tuổi, học hát múa cải lương rồi đi hát ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sân khấu đều do ông vẽ phông cảnh. Trong kháng chiến, ông tham gia hoạt động văn hóa, tuyên truyền, vẽ tranh cổ động cùng các nghệ sĩ kháng chiến ở Bắc Giang. Năm 1954, ông trở về Hà Nội, là họa sĩ của Đoàn Chuông Vàng Thủ đô, chuyên vẽ phông cảnh, thiết kế sân khấu, tạo hình phục trang cho các vở cải lương.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt - Trưởng ban Biên tập Nhà Xuất bản Mỹ thuật kể, vào thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, họa sĩ Thang Trần Phềnh bừng sáng như ánh sao. “Rạp Chuông Vàng luôn mở cửa sớm 1 tiếng trước giờ diễn và khán giả cũng đến thật sớm, say sưa ngắm phông cảnh mà họa sĩ Thang Trần Phềnh vẽ. Kỹ thuật vẽ tả thực vô cùng kỳ diệu của ông làm tăng sức sống vở diễn”, nhà phê bình Nguyễn Quang Việt nói.

PGS.TS nghệ thuật học Đoàn Thị Tình cũng có những kỷ niệm với họa sĩ Thang Trần Phềnh. “Lúc còn nhỏ tôi thường đến nơi ông làm việc. Đó là một người hiền từ, cần mẫn, say nghề. Ông chính là người khai mở ngành Mỹ thuật sân khấu Việt Nam, tạo nên một phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại, chân thực mà đậm tính ước lệ. Về sau, trong công tác nghiên cứu, những công trình, bài viết về sân khấu mỹ thuật của giới làm nghề luôn lấy phong cách của ông làm điển hình”.

Với niềm say mê nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cùng tinh thần cầu thị, tác giả Ngô Kim Khôi đã đưa độc giả bước vào hành trình khám phá một người ở thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tác giả Ngô Kim Khôi nói rằng, trong quá trình thực hiện cuốn sách ở Việt Nam và Pháp, có một vài nhà sưu tầm đã cho tác giả đến chụp hình và tìm hiểu tranh Thang Trần Phềnh trong bộ sưu tập của họ. Đến nay, vẫn còn nhiều tác phẩm, chi tiết, câu chuyện chưa kịp đưa vào sách. Vì vậy, đây mới chỉ là sự bắt đầu của hành trình tìm hiểu về họa sĩ Thang Trần Phềnh nói riêng, các họa sĩ thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thang Trần Phềnh - “Ánh ban mai” của mỹ thuật hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.