Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử

Nguyễn Thanh| 16/09/2018 06:22

(HNM) - Vòng sơ khảo Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội vừa khép lại...

Việc đổi mới tuyên truyền, vận động cùng nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt khác đã góp phần lan tỏa bộ Quy tắc ứng xử trong cộng đồng. Ảnh: Viết Thành


Sân khấu “nóng” từ bộn bề cuộc sống

Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm như “vỡ òa” trước những tiếng cười không ngớt dành cho tiểu phẩm “Em đi lễ chùa” của Đội tuyên truyền quận Cầu Giấy mang tới sơ khảo Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội, vào tháng 8 vừa qua. Trên sân khấu là hai diễn viên vào vai hai phụ nữ ăn vận lố lăng, cư xử kệch cỡm, làm náo động cảnh chùa thanh tịnh. Khi bị người dân nhắc nhở, họ đáp trả bằng những lời lẽ ngang ngược, thách thức. Phải đến khi được đại diện Ban Quản lý di tích “bẻ gãy” mọi lập luận bằng quy định ứng xử văn minh nơi thờ tự, những phụ nữ này mới ngại ngùng, xin được sửa sai.

Trước đó, kịch ngắn “Giá trị thật” của Đội tuyên truyền quận Hoàn Kiếm cũng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem, khi mô tả sinh động một tình huống “buôn gian, bán lận”, “chặt chém” du khách tại khu phố cổ. Việc làm “mờ mắt vì tiền” này, cuối cùng cũng được những người luôn biết trân trọng “giá trị thật” của cuộc sống ngăn chặn kịp thời. Câu hỏi ngỏ ở cuối phần thi “Bạn có sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện hành vi “gian thương” trong cuộc sống?” đã gợi lên nhiều thông điệp cho những người tham dự.

Từ những phần thi của các đội tuyên truyền, có thể thấy rõ nhiều chiều cạnh của đời sống xã hội đã và đang được soi chiếu bằng những vấn đề bức xúc xoay quanh văn hóa ứng xử nơi công cộng. Điều đáng nói, trên cơ sở quy tắc ứng xử chung, mỗi đội lại chọn ra những vấn đề “nóng” nhất, đặc trưng nhất của địa bàn mình để đưa lên sân khấu. Nếu như Đội tuyên truyền quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… chọn văn hóa thương mại, công tác gìn giữ trật tự lòng đường, vỉa hè; Đội tuyên truyền quận Long Biên, Bắc Từ Liêm… chọn những ngổn ngang, bức xúc từ quá trình đô thị hóa với đặc trưng “làng lên phố”, thì các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Chương Mỹ... lại gắn câu chuyện xây dựng nông thôn mới, bảo vệ cảnh quan, di tích… để truyền đi thông điệp văn hóa ứng xử.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, thành viên Ban giám khảo đánh giá: Với tài năng, tâm huyết của mình, các tuyên truyền viên đã đem đến cho khán giả những màn thể hiện hấp dẫn. Không chỉ tận dụng hiệu quả thế mạnh của nghệ thuật truyền thống ở địa phương, các đội thi còn thể hiện sự chu đáo, công phu qua trang phục sân khấu, nội dung kịch bản và hình thức thể hiện. Có thể thấy, những vấn đề mà các đơn vị mang đến hội thi cũng chính là những bức xúc, trăn trở trong đời sống được chuyển tải sinh động, lồng ghép khéo léo với những thông điệp tuyên truyền sâu sắc.

Bà Bùi Anh Thư, nhân viên phát thanh phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết: Qua các tiết mục đã xem, tôi học được nhiều kinh nghiệm để công tác tuyên truyền trở nên sinh động, dễ hiểu, mang đến hiệu ứng tích cực, tác động lên nhận thức của người dân. Ý nghĩa tuyên truyền của hội thi rất đáng được hoan nghênh và cần được nhân rộng nhiều hơn nữa.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Sơ khảo Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội.


Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng như một hình thức tuyên truyền, vận động mới mẻ, góp phần đưa hệ thống quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống một cách thực chất hơn. Hơn 500 tuyên truyền viên, diễn viên quần chúng ở 30 quận, huyện, thị xã đã tham dự vòng sơ khảo cấp thành phố, chưa kể hàng nghìn người tham gia vòng loại từ các hội thi cấp cơ sở trước đó, phần nào khẳng định sức hút từ một sân chơi hấp dẫn.

Điều đó cũng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng với cuộc vận động lớn của Thủ đô. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Bẩy, cán bộ văn hóa phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), với hình thức sân khấu hóa, những câu chuyện ứng xử từ mọi ngõ ngách của cuộc sống hiện lên gần gũi, sinh động, khiến người xem không thể không thấy một phần cộng đồng, khu dân cư mình trong đó. Những câu chuyện bức bối từ sân khấu cũng là bài học, góp phần đánh thức tinh thần tự giác, để mỗi người nỗ lực hơn vào việc cải thiện văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng văn minh, tiến bộ.

Ở một góc độ khác, không ít phần thi còn đưa ra cách giải quyết vấn đề đơn giản, chưa thuyết phục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình cho rằng: Điều này ít nhiều thể hiện sự lúng túng của các đơn vị trong việc lựa chọn những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Chẳng hạn như câu chuyện giờ đổ rác bất cập; giải tỏa hàng rong, chợ tạm nhưng không có điểm họp chợ ổn định hay việc thực hiện quy tắc ứng xử mới chỉ dừng lại ở vận động, nhắc nhở, chưa có chế tài xử lý đi kèm. Đây cũng chính là những mâu thuẫn, hạn chế từ thực tế đời sống, cần có thêm những giải pháp căn cơ, chủ động đi kèm, góp phần tăng hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền khẳng định, Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng là một trong những giải pháp đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền quy tắc ứng xử. Đây cũng là dịp để các địa phương trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, phát hiện và biểu dương những tuyên truyền viên có năng lực, sáng tạo, nhiệt huyết, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Quan trọng hơn, thông qua hội thi, các đơn vị mang đến những tiếng nói gần gũi, thuyết phục cho việc đẩy lùi những hành vi thiếu ý thức. Cùng với đổi mới tuyên truyền, vận động, nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt khác được áp dụng, góp phần đẩy mạnh sức lan tỏa của quy tắc ứng xử trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.