Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hứa hẹn sự đa dạng, độc đáo

An Nhi| 28/10/2018 07:07

(HNM) - Mùa lịch năm 2019 đang “nóng” dần từng ngày. Nhiều tháng qua, các đơn vị xuất bản, in và phát hành đã nghiên cứu thị hiếu, đón bắt nhu cầu người dùng để tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung, mỹ thuật.

Lịch tết 2019 được bày bán trên phố Đinh Lễ. Ảnh: Khuê Diệp


Thiết kế hiện đại, có chiều sâu

Nhu cầu mua lịch hiện nay không chỉ giới hạn trong việc xem ngày tháng mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tiếp nhận thông tin, trở thành một món quà tặng hay để quảng bá thương hiệu. Khái niệm “chơi lịch” cũng xuất phát từ đây. Vì thế, các đơn vị làm lịch luôn chú trọng khâu thiết kế, tìm cách đón xu hướng tiêu dùng và nhu cầu của từng đối tượng. Nhiều năm trở lại đây, lịch Việt có thiết kế đa dạng hơn về cả nội dung và hình thức. Bên cạnh đề tài tĩnh vật, phúc lộc thọ, hoa, phong cảnh thì các đề tài mới như danh nhân, thơ văn, lịch sử, tranh dân gian, biển đảo, gia đình, ẩm thực… được các đơn vị khai thác tối đa.

Năm nay, bộ lịch “Trường Sa trong trái tim tôi” của Công ty Lịch xuân Phương Nam tạo được sự chú ý ngay từ đầu mùa. Tiếp nối dòng sản phẩm lịch về biển đảo Việt Nam khá thành công trong những năm qua, cùng với chuyến đi Trường Sa trong năm 2018 để lại ấn tượng sâu đậm, ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty Lịch xuân Phương Nam đã nảy ra ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện. Bộ lịch thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống của cán bộ chiến sĩ, người dân tại các điểm đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa trên 53 trang lịch tuần. Bên cạnh hình ảnh, bộ lịch cung cấp thêm nhiều thông tin về quần đảo. Ngoài ra, đơn vị này còn đưa đến những hình ảnh mới về “Việt Nam nhìn từ trên cao” và bộ lịch tranh vẽ “Trẻ em đồng dao” khá thú vị.

Sản phẩm nổi bật của Công ty Lịch An Hảo năm nay là lịch bloc “Lục Vân Tiên”, in 2.080 câu thơ lục bát trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu), chia thành 365 đoạn, tương ứng với mỗi ngày trong năm. Mỗi đoạn thơ có tranh minh họa của họa sĩ Hữu Hiếu và cộng sự, tạo nên một “cuốn sách” kiểu mới.

Đơn vị này còn thiết kế lịch bloc “Doanh nhân thế giới và những câu nói nổi tiếng” hay “Những phát minh khoa học và sáng tạo giúp ích cho cuộc sống con người” cung cấp nhiều kiến thức giá trị. Công ty cổ phần Sách Thái Hà tạo đột phá trong mùa lịch năm nay với bộ lịch để bàn và treo tường thư pháp, thiết kế hình tròn biểu tượng cho hạnh phúc, tình yêu tròn đầy...

Theo ông Nguyễn Hà Quốc Anh, chủ đề cho các bộ lịch hiện nay khá rộng mở, nhưng đa phần vẫn gắn liền với văn hóa Việt Nam. Những người làm lịch vì thế cũng đi vào thiết kế có chiều sâu, để những bộ lịch trở thành sản phẩm văn hóa hữu ích với người dùng.

Ngoài thiết kế, công nghệ in ấn cũng được các đơn vị làm lịch chú trọng đầu tư. Bên cạnh kỹ thuật in offset 4 màu khá sắc nét, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư công nghệ metalize với màng kim loại cực mỏng vừa tạo hiệu ứng tia chiếu, vừa có tính chống thấm khí, hơi ẩm, lại giữ lịch bền màu. Các hình thức dập nổi 3D, bồi lên ván, cắt CNC tạo hình… tiếp tục được nhiều đơn vị áp dụng, nâng cao.

Thận trọng mới thành công

Các cửa hàng bán lẻ đã bày bán nhiều mẫu lịch năm 2019. Ảnh: Thụy Du


Đối với người làm lịch, thành công của một mùa vụ không chỉ ở việc tiêu thụ được nhiều sản phẩm mà là sự vừa vặn, không ế, không khan. Thị trường lịch thường chỉ “nóng” trong 2 tháng, nên các đơn vị phải tính toán đủ hàng, cung cấp nhanh cho khách hàng, mà không dư thừa khiến lịch trở thành giấy vụn, đồng thời, có những sản phẩm để lại dấu ấn cho người mua tìm đến ở mùa sau.

Ông Nguyễn Hà Quốc Anh chia sẻ: “Hiện giờ là khoảng thời gian cao điểm sản xuất lịch, nhưng giá giấy, giá vật tư, tỷ lệ chiết khấu năm nay đều tăng so với mọi năm nên các nhà làm lịch khá thận trọng. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo đặt hàng của các tổ chức, cá nhân và đơn vị phân phối. Từ đầu tháng 11 trở đi, dựa vào sức mua của thị trường chúng tôi mới tính toán sản xuất thêm".

Dạo qua những địa điểm như Phố sách Hà Nội, Hàng Trống, Nguyễn Xí, Đinh Lễ… của Thủ đô, đã có nhiều cửa hàng treo lịch 2019. Theo ông Đặng Hữu Phát, chủ một cửa hàng sách báo ở phố Hàng Trống, lịch mới treo được khoảng một tháng, chủ yếu để khách tham khảo mẫu mã và kiểu dáng. “Người Hà Nội vẫn có thói quen “chơi lịch”. Lịch bloc đại và cực đại có nội dung về văn hóa truyền thống nhưng thiết kế độc đáo, tinh tế được chú ý nhiều”, ông Đặng Hữu Phát cho biết.

Tuy nhiên, muốn biết được số lượng tiêu thụ lịch thì phải đợi đến cuối tháng 11, đầu tháng 12. Cũng giống như các đơn vị sản xuất, các cửa hàng bán lẻ không “ôm” hàng như trước mà dựa vào sức mua của khách để nhập về dần.

Bên cạnh việc sản xuất bán lẻ, thì mảng lịch đặt hàng, độc quyền có phần ổn định hơn. Hầu hết các đơn vị sản xuất đã hoàn tất thiết kế để chào hàng. Lịch độc quyền thường ưu tiên thiết kế độc đáo, lạ và cao cấp. Ngoài lịch treo tường, lịch để bàn thì các mẫu lịch trên chất liệu gỗ, sơn mài, tranh thêu, đế bọc da… khá được ưa chuộng.

Nhìn chung, thị trường lịch năm nay không quá ồn ào, giữ được ở mức ổn định. Sự thận trọng, tính toán kỹ lưỡng của các đơn vị sản xuất và phân phối xét ra có lợi cho cả hai phía, tránh lãng phí hoặc tăng giá không đáng có, đồng thời vẫn đánh trúng thị hiếu của người dùng.

Các mẫu lịch bloc tăng 15.000-30.000 đồng/bộ so với năm trước, khoảng 150.000-350.000 đồng/ bộ, tùy từng kích cỡ. Mẫu lịch thiết kế đặc biệt, in giấy cao cấp Nhật Bản, khánh lịch gắn cẩm thạch, có hộp hoa văn cán gân và túi giấy couche, có giá 400.000-500.000 đồng/bộ. Lịch tuần treo tường dao động khoảng 140.000-200.000 đồng/bộ. Trong khi lịch treo tường 7 tờ và lịch để bàn giá gần như giữ nguyên, khoảng 20.000-40.000 đồng/bộ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hứa hẹn sự đa dạng, độc đáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.