Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong muốn tạo dựng thương hiệu nghệ thuật Thủ đô

Hoàng Lân| 13/11/2018 11:21

(HNMO) - Nhạc sĩ trẻ Dương Cầm được Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội giao trách nhiệm sáng tác phần lớn ca khúc trong những chương trình biểu diễn đậm chất Hà Nội.

Đây cũng là vở diễn đoạt giải Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Với số lượng lớn ca khúc mới sáng tác về Hà Nội, nhạc sĩ Dương Cầm cũng “rinh” giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan.

Nhân dịp này, HNMO trò truyện với nhạc sĩ trẻ Dương Cầm về những sáng tác mới của anh cũng như ý tưởng xây dựng những chương trình nghệ thuật mang đậm chất Hà Nội.

Nhạc sĩ trẻ Dương Cầm.


- Điều gì khiến anh và Nhà hát xây dựng kịch bản chương trình “Hà Nội, ngày… tháng… năm...” như một vở nhạc kịch “broadway” chứ không phải là một show ca nhạc như thường thấy?

- Trước hết là chúng tôi muốn mang đến cho khán giả Thủ Đô một cái gì đó khác lạ. Ai dù sinh ra ở Hà Nội hay dù chỉ lớn lên ở Hà Nội thôi cũng giữ trong mình đầy ắp những kỉ niệm. Đó là kỉ niệm thời ấu thơ, kỉ niệm thời tuổi trẻ, thời những mối tình dang dở, thời của đạn bom khói lửa... của chia ly tiễn biệt.

“Hà Nội, ngày… tháng… năm...” là những trang nhật kí ghép lại và được kể bằng âm nhạc. Thông qua đó, chúng tôi đưa khán giả về tìm lại mình những ngày tuổi trẻ, thời của những thanh xuân đang rực rỡ. Vở diễn không giống như một chương trình nghệ thuật đơn thuần với những ca khúc được sắp xếp lên hát mà tất cả sáng tác về phần âm nhạc đều có sự kết nối, xuyên suốt, tạo thành mạch kể chuyện. Chương trình giống như thể loại kịch hát, ở đó các nghệ sĩ không chỉ hát mà họ còn biểu diễn kết hợp với múa và diễn xuất.

- Không phải là người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, khi lên kịch bản chương trình và viết các ca khúc cho chương trình đậm chất Hà Nội, anh gặp khó khăn gì?

- Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng tính đến nay cũng có gần 20 năm học tập và làm việc ở Hà Nội rồi. Với tôi, Hà Nội đã ăn sâu vào từng hơi thở cũng như trong từng suy nghĩ. Giống như nhiều người đã gắn bó với Hà Nội, tôi yêu mảnh đất này theo cách của mình và cũng có những ký ức rất riêng để mỗi lần đi xa luôn muốn nhớ về. Tất nhiên, khi viết về đề tài lịch sử thì tôi luôn có sự nghiên cứu về bối cảnh và thời điểm từ đó giúp tôi đưa ra những dữ kiện chính xác hơn.

Cảnh trong chương trình "Hà Nội, ngày... tháng... năm... - Những thanh xuân rực rỡ".


- Với con mắt của người trẻ, lại nhìn Hà Nội bằng con mắt của người từng trải khi trở về ký ức Hà Nội những năm 70. Tại sao anh lại chọn khoảng thời gian này của Hà Nội để xây dựng chương trình?

- Tôi lựa chọn Hà Nội những năm 70 (thế kỷ XX - PV) vì đơn giản nó gần với thế hệ chúng tôi và cũng như là những đối tượng khán giả chúng tôi hướng đến. Một lý do quan trọng nữa đó là thời điểm Hà Nội đang trên đường đổi mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét văn hóa cổ truyền. Đây có thể nói là điểm giao thoa về văn hóa một cách nhuần nhuyễn giữa những giá trị xưa cũ với những cái hiện đại bắt đầu được hội nhập.

Đặc biệt, trong chương trình này chúng tôi có đưa vào 2 sự kiện lớn gắn với lịch sử hào hùng của Hà Nội vào những năm 1970-1972, đó là “Hà Nội 12 ngày đêm” còn được chúng ta biết đến là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và thời kỳ lớp thanh niên Hà Nội “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.

Đó là những khoảnh khắc lịch sử không bao giờ quên, những hình ảnh đẹp và hào hùng của quân và dân Hà Nội. Trong chương trình, chúng tôi đã cố gắng khắc họa một phần nào đó những khoảnh khắc lịch sử ấy với thông điệp để khán giả khi xem sẽ không bao giờ quên những trang nhật ký đáng tự hào đó.

- Được biết 80% ca khúc trong chương trình là mới, trong đó có 50% các ca khúc do anh sáng tác, anh mất bao lâu để hoàn thành khối lượng ca khúc lớn đó? Điều anh trăn trở nhất khi thực hiện những ca khúc này là gì?

- Tôi hoàn thành phần âm nhạc cho vở diễn trong khoảng thời gian 3 tháng, với những ý tưởng kịch bản được chuẩn bị từ trước khá lâu. Lợi thế của tôi khi sáng tác là tôi hiểu kịch bản và hiểu diễn viên và các ca sĩ của mình nên thường viết đến đâu là phù hợp với từng người luôn, ít khi phải sửa lại.

Điều tôi trăn trở nhất khi thực hiện vở diễn này là làm sao phải đạt được cả 2 yếu tố nghệ thuật và đại chúng. Khi tham gia hội diễn phải thuyết phục được hội đồng nghệ thuật, hội đồng giám khảo, bạn bè đồng nghiệp, nhưng phần quan trọng hơn là khi vở diễn ra mắt làm thế nào phải chinh phục được số đông khán giả.

Chương trình kết hợp cả hát và múa khắc họa câu chuyện Hà Nội những năm 70.


- Trước “Hà Nội, ngày… tháng… năm”, anh và Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long đã xây dựng một vở diễn tương tự “Hà Nội, xưa và nay”. Liệu đây có phải là hướng đi mà Nhà hát muốn hướng tới trong tương lai, nhất là khi Nhà hát chuẩn bị bước sang cơ chế tự chủ theo chủ trương của thành phố Hà Nội?

- Chúng tôi còn muốn nhiều hơn thế nữa, dù trước mắt Nhà hát gặp nhiều khó khăn nhất là bài toán tự chủ nghệ thuật được đặt ra buộc mỗi người phải tư duy, vận động và không ngừng đổi mới sáng tạo để hấp dẫn khán giả. Mục tiêu của Ban lãnh đạo Nhà hát và các nghệ sĩ trong các đoàn đặt ra là, cố gắng mỗi quý phải ra mắt được một sản phẩm nghệ thuật mới, đáp ứng được chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn khán giả. Dần dần, chúng tôi sẽ rút ngắn quãng thời gian sản xuất chương trình để tiến tới Nhà hát có riêng 1 địa điểm sáng đèn hằng tuần phục vụ khán giả Thủ đô và khách du lịch đến Hà Nội.

Từ lâu, chúng tôi đã nung nấu việc phải thực hiện một thương hiệu nghệ thuật đậm chất Hà Nội, tạo dựng một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy, bảo đảm cả yếu tố nghệ thuật lẫn đáp ứng thị hiếu khán giả. Hiện giờ, chúng tôi đang trên con đường thực hiện ước mơ đó với những sản phẩm đã được hình thành và giới thiệu đến công chúng.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn tạo dựng thương hiệu nghệ thuật Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.