Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vũ khí, vật liệu nổ “trôi nổi”: Ẩn họa khó lường

Thành Tâm| 23/03/2016 07:21

(HNM) - Theo Bộ Công an, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về ANTT của lực lượng CAND, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Quản lý chặt vật liệu nổ sẽ góp phần giảm nguy cơ gây sát thương cho cộng đồng.


Thế nhưng, sự việc đáng tiếc xảy ra ngày 19-3 tại Khu đô thị (KĐT) Văn Phú (Hà Đông) một lần nữa nhắc nhở: Ẩn họa từ vũ khí, vật liệu nổ rất khó lường, cần biện pháp mạnh để ngăn ngừa.

Nguy cơ tiềm ẩn

Sự việc đau lòng xảy ra tại KĐT Văn Phú (Hà Đông) khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai quản lý và làm cách nào để quản lý chặt chẽ vật liệu nổ, tránh xảy ra những vụ việc tương tự?

Trên thực tế, Bộ Công an (CA) cho biết đã tham mưu với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cùng với đó là ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, như: Nghị định số 26/2012/NĐ-CP, ngày 05-4-2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 30/2012/TT-BCA và Thông tư số 31/2012/TT-BCA, ngày 29-5-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quy định cụ thể các trường hợp phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, CA hoặc chính quyền địa phương.

Thực hiện các quy định này, hằng năm, cơ quan CA các cấp đều tổ chức các đợt vận động nhân dân thu gom, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chẳng hạn, trên địa bàn Hà Nội, theo Đại tá Đặng Văn Vượng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - CATP cho biết, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, năm 2015 công cụ hỗ trợ có chuyển biến rõ rệt trên cả 3 phương diện là quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm và công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận và thu gom 87 súng các loại, 14 quả bom, 15 lựu đạn, 12 đầu đạn cỡ lớn, 1.911 viên đạn các loại, 45 kíp nổ, 58 công cụ hỗ trợ, 1.445 vũ khí thô sơ…

Nhưng, vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn "trôi nổi" không ít. Chưa nói "hàng nóng" nằm trong tay tội phạm thì ngay trong nhà dân, trên thị trường, vũ khí, vật liệu nổ còn tồn tại, là nguy cơ đe dọa TTATXH và an toàn của người dân mà vụ nổ xảy ra tại KĐT Văn Phú là một cảnh báo. Do nhận thức chưa đầy đủ hay vì lợi ích kinh tế..., không phải người dân nào cũng chủ động thông tin, giao nộp cho cơ quan chức năng vũ khí, vật liệu nổ. Thậm chí, vũ khí, vật liệu nổ đã và đang là mặt hàng có thể kinh doanh, sinh lời… Điều đó cũng có nghĩa, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kỹ năng nhận biết vũ khí, vật liệu nổ và tác hại của vũ khí vật liệu nổ chưa sâu rộng và chưa hướng tới đối tượng đặc thù…

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước những bất cập, Bộ CA khẳng định, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Khi chưa có luật, Bộ CA sẽ chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kịp thời phát hiện, cung cấp tin báo, tố giác tội phạm tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Trở lại vụ việc xảy ra ngày 19-3, người gây ra vụ nổ có thể biết nguy cơ, hiểm họa do việc cưa khối "phế liệu", nhưng do đặc thù nghề nghiệp, vì mưu sinh, anh Phạm Văn Cường đã mạo hiểm tính mạng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Để những người thu mua phế liệu, sắt thép có "lối ra" cho việc xử lý vũ khí, vật liệu nổ, Bộ CA cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp.

Theo đó, Bộ CA đang phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Hướng nghiên cứu không chỉ tìm cách bảo đảm kinh phí cho công tác tiếp nhận thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ mà cơ quan chức năng sẽ xem xét đề xuất chính sách hỗ trợ trong việc thu mua lại các loại vũ khí, vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ. Nếu chính sách này được ban hành, người dân, người kinh doanh phế liệu, sắt thép nếu phát hiện vũ khí, vật liệu nổ thay vì tự ý tháo dỡ để bán sắt vụn có thể "bán" lại cho cơ quan chức năng.

Song song với đó, giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài là phải làm tốt công tác tuyên truyền. Về vấn đề này, UBND thành phố đã chỉ đạo: "Giao CATP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng và tổ chức kế hoạch tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài ngành CA về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ". Nếu làm tốt công tác này, những vụ việc đau lòng như vừa qua có thể được ngăn chặn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vũ khí, vật liệu nổ “trôi nổi”: Ẩn họa khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.