Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chính quyền phục vụ

Việt Nga| 17/07/2017 06:49

(HNM) - Thành phố đặc biệt coi trọng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc nâng cao tỷ lệ giao dịch hồ sơ hành chính qua mạng.


Người dân sử dụng máy tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố đã hoàn thành và duy trì kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố qua hệ thống trục liên thông. Hệ thống này cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa hai cơ quan. Hiện nay, 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn duy trì sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên mạng; 90% văn bản của cơ quan nhà nước thành phố thực hiện trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật); 100% cán bộ, công chức khai thác, sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi công việc.

Trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, thành phố đã công khai tiến độ giải quyết hồ sơ chuyển, nhận văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Duy trì tốt các ứng dụng dùng chung như: Cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến. Cổng thông tin điện tử các sở, ngành, quận, huyện, thị xã được duy trì và khai thác hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong 10 lĩnh vực với số lượng hồ sơ được giải quyết qua mạng đạt tỷ lệ cao.

Thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-8-2016 tại địa chỉ http://egov.hanoi.gov.vn/. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp (liên thông với thủ tục cấp hộ khẩu thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi) được triển khai đến 584/584 xã, phường, thị trấn.

Một số lĩnh vực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, như trong giáo dục - đào tạo, đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp đạt 55,7% (năm 2016) và 70,68% (năm 2017). Thành phố đang triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, học bạ điện tử cho 2.753 trường, cập nhật được gần 1,7 triệu học sinh, cấp hơn 70.700 tài khoản cho người sử dụng và đã có trên 19.450.000 lượt truy cập hệ thống. Ngành Y tế đã, đang thí điểm hệ thống quản lý tầm soát ung thư tại 3 quận và cập nhật thông tin trên 40.700 xét nghiệm. Đồng thời, xây dựng ứng dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân và hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh toàn thành phố…

Khối xã, phường và quận, huyện, thị xã có tỷ lệ giao dịch qua mạng cao

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đang được các cơ quan nhà nước thành phố tích cực triển khai. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, đã triển khai 62/96 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 12 quận (168 phường), 10 sở; thử nghiệm 19 dịch vụ công. Tính chung, Hà Nội đã cung cấp 391 dịch vụ công mức độ 3, 4 - đạt 20,4% tổng số thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước thành phố. Từ ngày 15-7, thành phố tiếp tục mở rộng cung cấp 16 dịch vụ công tới 18 huyện, thị xã (416 xã, phường, thị trấn); đồng thời chuẩn bị triển khai 375 dịch vụ công theo kế hoạch năm 2017.

Theo Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phan Lan Tú, Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu về tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng cao và đó là điểm nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố. Tuy nhiên, thực tế là tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng không đồng đều giữa các cơ quan nhà nước thành phố. Cụ thể, trừ một số lĩnh vực như: Đăng ký kinh doanh có tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt 70%, thuế 97%, hải quan 100%, bảo hiểm xã hội trên 80%, hộ chiếu phổ thông trên 80%, thông tin - truyền thông 90%, thì ở khối xã, phường và quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ hồ sơ giao dịch cao hơn khối các sở, ngành.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng cao, theo lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, ngoài việc tuyên truyền người dân thực hiện đăng ký các thủ tục hành chính qua mạng, nhắn tin về tiến độ, hoàn thành xử lý hồ sơ, quận đã tổ chức hướng dẫn, đào tạo về sử dụng các dịch vụ công. Cụ thể, quận Thanh Xuân phối hợp với ngành giáo dục tổ chức đào tạo cho 3.000 học sinh lớp 8 về cách thức sử dụng dịch vụ công mức độ 3 để các em về hướng dẫn người thân trong gia đình thực hiện các thao tác qua mạng. Quận cũng thí điểm trang thiết bị thông minh tại khu dân cư thuộc phường Hạ Đình để người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng…

“Chính sự tích cực vào cuộc của các đơn vị khối quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn với nhiều biện pháp sáng tạo, nên tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng một số dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp đạt trên 90%” - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phan Lan Tú nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục đề nghị các cơ quan nhà nước thành phố, đặc biệt là các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính quyền phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.