Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối cung - cầu đa dạng của thị trường lao động

Hà Hiền| 16/08/2017 06:38

(HNM) - Mô hình sàn giao dịch, điểm giao dịch việc làm vệ tinh được thành lập ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã và đang góp phần kết nối cung - cầu đa dạng của thị trường lao động Thủ đô. Thông qua kênh thông tin việc làm chính thức này, các cơ quan chức năng tìm ra những hạn chế của thị trường lao động, từ đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Đưa thông tin về nông thôn

Hà Nội là một trong những địa phương có thị trường lao động phong phú, đa dạng. Ước tính mỗi năm, hàng trăm nghìn người lao động trên địa bàn TP Hà Nội có nhu cầu tìm việc làm mới, nhất là lao động vùng thu hồi đất, vùng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã phối hợp với địa phương mở sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Ba Vì và Đông Anh; đồng thời mở 7 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại quận Nam Từ Liêm, Long Biên, huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa và Hoài Đức. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 5 sàn và một điểm giao dịch việc làm vệ tinh được thành lập ở ngoại thành.

Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm huyện Ba Vì.


Trong quá trình vận hành, các sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh kết nối với Sàn giao dịch việc làm Hà Nội ở khu vực trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm vào thứ ba và thứ năm hằng tuần; đồng thời cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn hướng nghiệp cho mọi đối tượng lao động. Điểm mới của hình thức giao dịch việc làm này là người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội tiếp cận thông tin chính thức, đa chiều, tránh được các rủi ro trong quá trình tuyển dụng. Ngoài hình thức phỏng vấn trực tiếp, người lao động có thể tìm hiểu thông tin tuyển dụng ở các sàn, điểm giao dịch khác thông qua hệ thống thông tin được kết nối liên thông để đăng ký phỏng vấn. Dựa trên thông tin người lao động đăng ký, các đơn vị tuyển dụng sẽ tiến hành phỏng vấn trực tuyến.

“Với hình thức giao dịch đa dạng, mọi thông tin về thị trường việc làm đến với từng người lao động. Do đó, người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển dụng được lao động đáp ứng được yêu cầu của công việc”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay. Còn theo chị Bùi Thị Ngân, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, người lao động vùng nông thôn rất thiếu thông tin về thị trường lao động, nên việc mở các sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh đã góp phần đưa thông tin thị trường lao động về vùng nông thôn. Đăng ký tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm huyện Ba Vì, chị Bùi Thị Ngân đã có được việc làm phù hợp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dệt Hà Tây sau nhiều năm loay hoay tìm kiếm.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau hơn một năm hoạt động, các sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh tổ chức được hàng trăm phiên giao dịch; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng vạn lượt lao động. Điển hình là điểm giao dịch việc làm huyện Gia Lâm, Ứng Hòa… thu hút hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại các phiên giao dịch.

Khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường

Không chỉ là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động và ngược lại, việc triển khai mô hình sàn giao dịch việc làm vệ tinh còn giúp các cơ quan chức năng nắm bắt được nhu cầu thực tế của thị trường từ cả hai phía. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thông qua Sàn giao dịch việc làm huyện Ba Vì khá nhiều, người lao động có nhu cầu tìm việc không ít, song số lượng tuyển dụng chưa nhiều. Doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng lao động có chuyên môn, tay nghề, ý thức kỷ luật lao động cao, trong khi đa số lao động nông thôn chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Người lao động mong muốn có được việc làm ổn định, gần nhà, nhưng lại thiếu chủ động trong chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc.

“Qua công tác tư vấn, hướng nghiệp, chúng tôi nhận thấy người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng khá nhiều. Từ thực tế đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp dạy nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Ba Vì cho phù hợp hơn”, ông Nguyễn Ngọc Bình khẳng định. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh khác.

Ông Vũ Quang Thành cho biết thêm, trên cơ sở thông tin đa dạng về thị trường lao động từ các sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Căn cứ vào nguồn dữ liệu này, các cơ quan chức năng và người lao động, người sử dụng lao động sẽ có giải pháp kết nối cung - cầu hiệu quả. Theo ông Vũ Quang Thành, một trong những khoảng trống lớn của thị trường lao động hiện nay là công việc giúp việc gia đình. Nhu cầu tuyển dụng lao động giúp việc gia đình lớn gấp nhiều lần nguồn cung, trong khi lao động trên 35 tuổi ở vùng nông thôn dôi dư thời gian hoặc chưa có việc làm rất nhiều. Chỉ vì không vượt qua được rào cản tâm lý cho rằng giúp việc gia đình là nghề thấp kém, nhiều lao động dù không có việc làm cũng từ chối công việc này. Để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương ưu tiên đào tạo, định hướng nghề nghiệp đối với công việc giúp việc gia đình; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu đúng vị trí, vai trò của nghề giúp việc gia đình, đưa công việc này hướng tới tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Từ một vài ví dụ trên, có thể thấy, mô hình sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh là cần thiết và đang phát huy hiệu quả tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối cung - cầu đa dạng của thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.