Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho 10 cá nhân

HNMO| 18/09/2017 21:42

(HNMO) - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho 10 cá nhân.


10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu này gồm:

1.Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng (sinh năm 1918), thuộc Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội

Ngệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng nguyên là cán bộ Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là một trong những thành viên sáng lập đoàn cải lương Tố Như - Hà Nội. Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội. Ông tham gia biên soạn nhiều tập sách ảnh giới thiệu về Việt Nam đất nước con người do UNESCO ấn hành như: “Huế giữa chúng ta”, “Nghề gốm mỹ nghệ Việt Nam” in tại Pháp năm 1983, “Việt Nam - đất nước của Bác Hồ” in tại Liên Xô năm 1985.

Với Hà Nội, từ những năm 1936, ông đã ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc khắp Thủ đô qua những bức ảnh. Đặc biệt, với tinh thần lao động miệt mài, sáng tạo, ông đã tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ, với hàng nghìn bức ảnh về Hà Nội xưa và nay, là khối tư liệu vô giá của Thủ đô. Kho ảnh về Hà Nội của ông với rất nhiều hình ảnh quý hiếm về phố cổ Hà Nội, về những sinh hoạt văn hoá đặc thù của người Tràng An. Ông có nhiều tác phẩm về Thủ đô và đất nước tham gia các triển lãm quốc tế ở Rumani, Pháp, Ba Lan, Malaysia, Liên Xô (cũ), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ... Năm 2012, ông xuất bản cuốn sách khổ lớn mang tên “Những khoảnh khắc", có giá trị đối với giới làm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các tác phẩm về Hà Nội của ông được xuất bản như: Thông sử Hà Nội, do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên, UBND thành phố xuất bản năm 1995; một số ảnh trong cuốn “Văn hoá dân gian Hà Nội” - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1991...

Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước như: Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967; Giải ACCU của Nhật Bản năm 1984; Huy chương bạc cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 35 nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-2005)... Năm 2016, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội được trao tặng cho ông là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với Thủ đô Hà Nội. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn văn hoá dân tộc...

2. Vận động viên Dương Thuý Vi - Đội tuyển Wushu Hà Nội, Quốc gia, sinh năm 1993, tại Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội với niềm đam mê võ thuật, đến với wushu từ năm 7 tuổi và gắn bó cho đến nay, vận động viên Dương Thuý Vi từng nhiều lần giành Huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam. Để có thể vươn lên đỉnh cao thế giới, Thuý Vi đã miệt mài tập luyện, từng nhiều năm liền phải tập trung với chấn thương. Trước thềm Asiad 2014 tại Incheon, Thuý Vi đã trải qua quá trình tập luyện trong bối cảnh bị chấn thương, những ngày dài phải xa nhà tập luyện, nhưng với niềm đam mê, quyết tâm, Thuý Vi đã giành được tấm Huy chương vàng duy nhất cho thể thao Việt Nam. 


Trong sự nghiệp thi đấu, Thuý Vi đã đạt được nhiều thành tích: Huy chương vàng vô địch trẻ Châu Á 2009, 2011; Huy chương vàng vô địch trẻ thế giới 2010; Huy chương vàng SEA Games 2013, 2015, 2017; Huy chương vàng vô địch thế giới 2013; Huy chương vàng Asiad 2014.

Với đóng góp cho thể thao Thủ đô và đất nước, Thuý Vi vinh dự được trao nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014, 2015); Bằng khen của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2010, 2012, 2013, 2015); Bằng khen của Trung ương Đoàn (2015); Bằng khen của Ủy ban Olympic Việt Nam (2015).

3. PGS.TS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), Giảng viên Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội

Ông hiện là giảng viên cao cấp tại trường Đại học Y Hà Nội, là người được công nhận Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 và được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ.

Trong quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS luôn đạt thành tích cao. Năm 27 tuổi, PGS tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế loại xuất sắc với số điểm tuyệt đối 4.0/4.0 tại ĐH Alberta (Canada). PGS dành nhiều tâm huyết cho hướng nghiên cứu và đánh giá kinh tế, phân tích dự báo, xác định các can thiệp y tế có tính chi phí - hiệu quả cao. Bên cạnh đó, PGS tiến hành nghiên cứu nhằm xác định giải quyết các vấn đề y tế công cộng nổi cộm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. Các nghiên cứu tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn như: HIV/AIDS, nghiện chất (ma tuý, rượu, thuốc lá), vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì và phòng chống bệnh mạn tính... Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất của PGS là các phân tích chi phí - hiệu quả của các chiến lược can thiệp phòng chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 - 2015. Các công bố khoa học gần đây của PGS cũng có giá trị ứng dụng cao như các mô hình dự báo nguy cơ mắc 20 bệnh mạn tính trong suốt vòng đời dựa trên các đặc điểm của cá thể, cho phép tiến hành can thiệp dự phòng sớm và là cơ sở phát triển cấu phần trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng y tế điện tử trên điện thoại thông minh, hiện đang triển khai tại Đại học Y Hà Nội....

Hơn 10 năm tham gia giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, PGS đã đào tạo hỗ trợ nhiều học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chuyên sâu, trong đó có hơn 30 người đạt 11 giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp, bao gồm: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học toàn quốc, Giải thưởng Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Y – Dược Việt Nam... PGS là người đề xuất chủ trì thực hiện Chương trình hỗ trợ nghiên cứu và xuất bản quốc tế, cũng như phát triển các chương trình học bổng nghiên cứu đã được tài trợ dành cho sinh viên y khoa, từ đó tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, hướng đến công bố trên các tạp chí khoa học uy tín; khởi xướng mô hình kết nối các nhà khoa học quốc tế hỗ trợ các nghiên cứu viên trẻ ở những nước đang phát triển được ghi nhận và đánh giá cao trong các diễn đàn học thuật. PGS còn tham gia phát triển dự án đổi mới phương pháp đào tạo y học lâm sàng, tăng cường chia sẻ phương pháp học liệu giữa nhiều đại học Y khoa ở châu Âu với Việt Nam.

Với sự nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS đã đạt nhiều thành tích như: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2016), Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu (2016), Gương mặt trẻ Thủ đô Việt tiêu biểu (2016), Lãnh đạo trẻ Y tế thế giới của Liên viện Hàn Lâm quốc tế (2014). Năm 2016, PGS Trần Xuân Bách là đại diện 20 nhà khoa học trẻ thế giới tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới tại Geneva.

4. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1958), nghiên cứu viên cao cấp; giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

Bà hiện là Ủy viên BCH Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại Việt Nam, Ủy viên BCH Hội hóa học Việt Nam, Hội ATGT Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam, Ủy viên Hội nữ trí thức Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Hội hóa học Hà Nội, Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội. Cá nhân bà đã có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về vật liệu sơn, đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thuỷ đã trực tiếp chủ trì 32 đề tài, tiêu chuẩn, tham gia 42 đề tài, tiêu chuẩn nhà nước và cấp bộ, sở, trong đó có trên 10 công trình tiêu biểu đã được áp dụng thực tiễn. Bà biên soạn và tham gia biên soạn bộ 30 Tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành thuộc lĩnh vực sơn bảo vệ và sơn tín hiệu giao thông; tham gia đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều học viên và nghiên cứu sinh thuộc ngành Hóa cho các cơ sở đào tạo trong nước và Hà Nội: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH GTVT Hà Nội, Viện kỹ thuật quân sự...

Đối với Hà Nội, bà đã tham gia tư vấn, thẩm định các công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông trong thành phố, cụ thể là đánh giá, nâng cao chất lượng vạch kẻ đường, biển báo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông tại Thủ đô; nghiên cứu, chế tạo những công nghệ, vật liệu mới phù hợp trong xây dựng mặt đường bên tông nhựa, vật liệu sơn bảo vệ chống ăn mòn với độ bền cao cho các công trình như: Cầu Chương Dương (năm 2004 cho kết cấu dưới mặt cầu, năm 2007 cho kết cấu trên mặt cầu); sơn chỉ dẫn an toàn giao thông (bùng binh cầu Chương Dương năm 2007); cầu Đuống (năm 2010); các cầu vành đai đường sắt, cầu Long Biên nhịp 6 (năm 2015); sơn duy tu cầu Thăng Long (năm 2017); sơn hệ thống xe hàng cho đóng mới toa xe của nhà máy xe lửa Gia Lâm (năm 2015 đến nay); Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của Sở KHCN Hà Nội “Nghiên cứu chế tạo phụ gia bám dính đá nhựa trên cơ sở Oligomamid cho công trình giao thông Hà Nội” (năm 2002), đã chuyển giao cho Sở GTVT Hà Nội để áp dụng rộng rãi trong giao thông thành phố, đặc biệt là vào duy tu sửa chữa mặt đường. Năm 2012 - 2013, bà đã chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chế tạo nhựa đường chất lượng cao trên cơ sở nhựa đường biến tính cao su” của Sở KHCN Hà Nội và năm 2015 đã chủ trì nghiên cứu cải thiện chất lượng nhựa đường bằng phần tử nano, tạo ra sản phẩm nhựa đường có chất lượng cao tương đương sản phẩm nhập ngoại.

Với những đóng góp của cá nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ GTVT 3 lần tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua ngành, 4 lần tặng Bằng khen; được Bộ KHCN 2 lần tặng Bằng khen; Giải nhì Vifotec; Giải thưởng Kovalevskaya năm 2013; được vinh danh phụ nữ Thủ đô tiêu biểu; Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước.


5. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm (sinh năm 1956), Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội

Là chủ tịch hội xã hội nghề nghiệp, cá nhân ông luôn tìm tòi, sáng tạo đưa Hội ngày càng phát triển. Được Trung ương Hội, Hội đông y các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao, nhiều tỉnh bạn đã đến tham quan học tập mô hình tổ chức, hoạt động của Hội Đông y thành phố Hà Nội.

Quá trình công tác, ông đã có nhiều sáng kiến như đề xuất thành lập Trung tâm thừa kế ứng dụng đông y với chức năng khám chữa bệnh cho nhân dân, nghiên cứu khoa học bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên. Qua đó, hằng năm đã mở các lớp đào tạo chuyên môn cho trên 300 hội viên, khám chữa bệnh cho trên 4.000 lượt bệnh nhân. Ông còn là chủ nhiệm 3 đề tài cấp thành phố có tính khoa học, tính thực tiễn cao, được ứng dụng rộng rãi trong cả nước. Từ năm 2014 - 2016, ông đã xây dựng, chỉ đạo, thực hiện 3 mô hình trồng cây thuốc nam thay cây lúa tại 3 huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, đã cho kết quả năng suất tăng gấp 3-8 lần, có thể ứng dụng rộng rãi trên toàn thành phố. Ông biên tập, biên soạn, xuất bản 9 đầu sách chuyên môn mang tính hàn lâm được các thầy thuốc YHCT và hội viên Hội Đông y thành phố Hà Nội, hội viên Đông y cả nước đón nhận, ứng dụng. Hiện nay, ông đang thí điểm xây dựng mô hình “Tuệ tĩnh đường”, mở phòng khám từ thiện cho chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn để khám, tư vấn sức khỏe, chữa bệnh từ thiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, dự kiến khai trương ngày 10-10-2017. Tính từ năm 2016 đến nay, ông đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 493.902 lượt người, trị giá trên 1,2 tỷ đồng tại các quận, huyện thuộc thành phố, không để xảy ra sai sót.

Cá nhân ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013, Thầy thuốc nhân dân năm 2017; Bằng khen Chính phủ năm 2010; Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2016; Chiến sỹ thi đua cấp thành phố cùng nhiều Bằng khen, Huy chương, Kỷ niệm chương của Bộ Y tế, UBND TP, TW Hội Đông y Việt Nam, Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam...

6. Ông Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1960), Trưởng phòng Thanh tra 6, Thanh tra thành phố Hà Nội

Sau khi xuất ngũ, ông chuyển ngành về Thanh tra thành phố công tác. Hiện ông là Trưởng phòng Thanh tra 6, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh tra thành phố Hà Nội.

Trong quá trình công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Cá nhân ông đã tham mưu và trực tiếp tham gia các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội, thanh tra hành chính, thanh tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và phòng chống tham nhũng (từ năm 2010 đến nay: 44 cuộc thanh tra kinh tế xã hội và thanh tra phòng chống tham nhũng, kết luận giải quyết trên 600 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó có nhiều vụ liên quan đến ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, trực tiếp tiếp trên 1.300 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo). Qua thanh tra kinh tế xã hội và phòng chống tham nhũng, ông đã góp phần phát hiện và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền trên 500 tỷ đồng, kết quả thu hồi đạt trên 90% số tiền đã ban hành quyết định xử lý tài chính, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống tham nhũng và hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ông đã cùng lãnh đạo cơ quan tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với các quy định mới của nhà nước.

Đặc biệt, cá nhân ông đã xây dựng đề tài “Quy trình đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở xã, phường, thị trấn” đã được in thành sách để phát hành toàn quốc, giúp cho quá trình giải quyết các vụ phức tạp, kéo dài ở các địa phương, giảm bớt áp lực bức xúc của người dân, tránh và hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện vượt cấp của công dân, được Hội đồng khoa học đánh giá cao và phổ biến rộng rãi; đề tài khoa học chuyên đề giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, được công nhận sáng kiến cấp thành phố.

Với những đóng trên, cá nhân ông liên tục từ năm 2009 - 2016 đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở; Chiến sỹ Thi đua toàn quốc năm 2012; Chiến sỹ Thi đua thành phố năm 2009, 2011, 2014; Bằng khen của Thanh tra Chính phủ năm 2008, 2011, 2016; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2009, 2013, 2014, 2015; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2015.

7. Ông Đặng Cát (sinh năm 1938), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ

Ông là thương binh chống Pháp hạng 4/4, được cử đi học và trở thành bác sỹ Quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Năm 1969, ông trở thành Chủ nhiệm Quân y của Học viên Biên phòng. Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, không lựa chọn cuộc sống an nhàn bên gia đình, ông bắt đầu khám bệnh miễn phí cho mọi người. Bệnh nhân của ông lúc đầu là bà con lối xóm, càng về sau, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài cũng tìm đến ông để được nghe ông tư vấn chữa bệnh… Khi gặp những bệnh nhân quá nghèo, ông còn bỏ tiền túi để mua thuốc giúp họ. Đối với những bệnh nhân nặng, dù ở xa hay gần, không phân biệt bệnh nhân giàu - nghèo, không ngại khó, vất vả, không nề hà đêm ngày, ông đều đạp xe đến tận nhà, khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Bình quân mỗi ngày ông khám bệnh cho khoảng 10-20 người…Nếu biết bệnh nặng cần phẫu thuật hay dùng phương tiện hiện đại điều trị, ông lại tư vấn hướng dẫn và có khi còn cùng gia đình bệnh nhân đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị.

Không chỉ khám và điều trị những căn bệnh thông thường, ông còn điều trị có hiệu quả hơn 100 trường hợp mắc những căn bệnh khó như nấm, hẹp van tim, thiểu năng tuần hoàn não... Không chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân mà ông còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như: là Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội khuyến học phường Nhật Tân và Bí thư Chi bộ 3 từ khi nghỉ hưu đến năm 2014. Đến nay, mặc dù tuổi cao sức yếu không thể đạp xe đi chữa bệnh nhưng hàng ngày ông vẫn khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí tại nhà cho những bệnh nhân nghèo.

Với những thành tích trên, năm 2009, ông đã được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2013, ông vinh dự được Thành phố tặng thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2014, ông được tôn vinh là 1 trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2014).

8. Nghệ nhân Lê Bá Chung (sinh năm 1960), xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đứng trước khó khăn, nguy cơ mai một của làng nghề, ông đã tìm tòi, học hỏi. Qua 34 năm theo nghề, ông là người khôi phụ nghề sơn son thiếp vàng sau hơn 50 năm bị mai một và là người đi đầu trong phát triển làng nghề từ gia đình thành HTX, với 70 thành viên được chia làm nhiều tổ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động.

Năm 1989, ông đã nghiên cứu tìm ra chất giấy thay thế giấy gió không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ông đã cải tiến đập diệp, máy xay mực, lướt cả tờ to để giảm ngày công lao động. Cá nhân ông có nhiều tác phẩm mang tính chất nghệ thuật, có sắc thái, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người Kinh Bắc. Ông phối hợp Trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp, Sở Công Thương mở 5 lớp dạy nghề, mỗi lớp 35 học viên, với tổng số 175 học viên tham gia, góp phần giữ gìn và đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề truyền thống. Ông đã có nhiều đóng góp trong công việc dát vàng, phục chế một số hiện vật trên địa bàn Thủ đô, cống hiến nhiều tác phẩm cho Thủ đô như: Cụ Rùa Văn Miếu, các tượng Phật, án thờ, cửa võng các chùa Kim Liên, Kim Giang, Tứ Liên, Đa Sĩ, Ước Lễ, chùa làng Sủi (Hà Nội)... và các công trình của nhiều tỉnh trên cả nước. Vàng quì của gia đình ông đã được dùng để vẽ các bức tranh sơn mài lớn dùng để trang trí Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia...

Với những đóng góp trên, ông được tặng thưởng những danh hiệu sau: 2 lần được nhận Bằng khen thành phố (năm 2012, 2015); năm 2004: nhận Danh hiệu nghệ nhân Hà Nội; năm 2011: Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố; năm 2015: được Thành phố tuyên dương là Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; năm 2016, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

9. Anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1983), thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội

Được biệt danh là “Nhà sáng chế của nông dân”, từ những suy nghĩ giúp bà con nông dân đỡ vất vả, mặc dù không được đào tạo bài bản, năm 2005, anh bắt tay vào mày mò sáng chế ra những chiếc máy đơn giản như máy bơm nước, máy phun thuốc, máy tời kéo còn thô sơ nhưng khi đem ra sử dụng máy hoạt động rất hiệu quả. Năm 2013, sau những nỗ lực tâm huyết, anh hoàn chỉnh được chiếc máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1: cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ..., tham gia chương trình nhà sáng chế và đạt giải nhất. Sáng chế của anh được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế, có năng suất lao động cao.

Không ngừng nghiên cứu sáng tạo, đến cuối năm 2016, máy đa năng của anh đã tích hợp được tới 15 chức năng trong 1 máy nông nghiệp, có thể làm hầu hết những công việc của nhà nông như: cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt..., phù hợp với tất cả vùng, miền và tập quán canh tác khác nhau. Năm 2017, anh đang hoàn thiện tiếp 2 chức năng cho chiếc máy là hút bùn và băm cành cây; đa dạng các loại động cơ như động cơ xăng, động cơ dầu nhằm tạo sự thuận lợi cho bà con nông dân. Anh đã tham gia nhiều cuộc thi sáng chế và đạt giải cao như: Giải nhất “Nhà sáng chế”, “Ai là chuyên gia”, “Sáng tạo Việt”. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã phát động.

Với những đóng góp trên, anh được nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp: Năm 2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, Người tốt, việc tốt cấp huyện, Chiến sĩ Thi đua cấp thành phố, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Năm 2016, anh được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen, là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu của Thành đoàn Hà Nội và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, là Gương điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2010 - 2015...

10. Thượng tá Đào Anh Tuấn (sinh năm 1967), Phó Trưởng phòng PC52, Công an thành phố Hà Nội

Là thương binh 24%, không quản ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, Thượng tá Đào Anh Tuấn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 1992 đến tháng 1-2011 khi công tác tại Phòng hình sự Công an TP (PC45), từ tháng 2-2011 đến nay là Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP, cá nhân ông đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đội truy bắt nhiều đối tượng truy nã, điều tra khám phá nhiều vụ án đạt kết quả cao, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải dũng cảm đấu tranh phá án. Điển hình như vụ triệt phá ổ nhóm tội phạm Dương Văn Khánh (tức Khánh Trắng) cầm đầu tại khu vực chợ Đồng Xuân; vụ băng nhóm Tuấn “con” liên tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh… Ông đã chỉ đạo và bắt giữ được hơn 200 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, truy nã quốc tế và truy nã trốn lâu năm. Điển hình, năm 2016, ông bắt giữ đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán 400kg cocain; trực tiếp chỉ đạo và tham gia khám phá chuyên án, bắt giữ đối tượng Nguyễn Vĩnh Long (Long ma) ngày 11-11-2016 tại cửa khẩu Cốc Nam, đồn biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn…

Với những đóng góp cá nhân, Thượng tá Đào Anh Tuấn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng: Năm 2010 là Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng; từ năm 2008 đến năm 2016 liên tục là Chiến sĩ Thi đua cơ sở; từ năm 2008 đến nay đã nhận bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho 10 cá nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.