Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều hộ nông dân huyện Ba Vì đối mặt với nguy cơ mất mùa

Đỗ Minh| 23/09/2017 07:17

(HNM) - Mặc dù cơn bão số 10 đã đi qua hơn một tuần song hàng nghìn héc ta lúa, rau màu trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn chìm sâu trong nước. Tại một số xã, 100% diện tích lúa, rau màu bị mất trắng, nhiều ao nuôi trồng thủy sản thiệt hại từ 70% đến 80%. Nhiều hộ nông dân Ba Vì đang đối mặt với không ít khó khăn.

Nông dân thôn Cẩm An (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) ra đồng vớt lúa đã hỏng.



Thiệt hại lớn

Là một trong những hộ có diện tích lúa bị mất trắng, anh Quách Văn Thắng ở thôn Cam Cao (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) cho biết: "Gia đình tôi có hơn 4 sào lúa, trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã thiệt hại hơn 1 sào, nay bão số 10 tiếp tục làm 3 sào lúa còn lại sắp đến ngày thu hoạch bị ngập". Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Lê ở thôn Cam Cao chia sẻ: “Gia đình có hơn 3 sào lúa bị ngập, xác định mất trắng. Ao nuôi cá rộng gần 1ha cũng bị tràn bờ, thất thoát cá”.

Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Đỗ Minh Nhân cho biết, toàn xã có hơn 500ha sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Cơn bão số 10 vừa qua đã khiến hơn 208ha bị ngập sâu, trong đó có 70,9ha lúa và cây màu; 123,7ha nuôi trồng thủy sản,... Thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng.

Không riêng xã Cam Thượng, nhiều hộ nông dân ở xã Vật Lại (Ba Vì) cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Vật Lại Chu Danh Báu cho biết: Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2017 toàn xã là 597ha, thì 169ha bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại trên 70% là 67ha, trên 50% là 12ha... Khoảng 3.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang đứng trước khó khăn do mất mùa.

Tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất

Trong những năm gần đây, huyện Ba Vì liên tục bị ngập úng do mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Theo UBND huyện Ba Vì, bão số 10 vừa qua đã gây mưa lớn trên địa bàn, trung bình 215mm. Do lượng mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn nên tình trạng ngập úng xảy ra nghiêm trọng. Đến ngày 21-9, trên địa bàn huyện vẫn còn 1.610ha diện tích lúa mùa bị ngập, trong đó có khoảng 670ha ngập trắng, không cho thu hoạch, diện tích còn lại giảm năng suất từ 30% đến 70%; 526ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ; 290ha diện tích rau màu bị ngập úng...

Việc tiêu thoát nước ở địa phương phụ thuộc vào hệ thống sông Tích và tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng, trong khi đó, hệ thống sông Tích mới đang được đầu tư, triển khai thực hiện phần đầu mối và đoạn đầu tuyến. Toàn bộ đoạn từ xã Vật Lại đi Sơn Tây và các huyện vùng hạ lưu chưa được nạo vét, khơi thông. Do đó, cứ vào mùa mưa bão là các xã ven sông Tích ngập úng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Một số xã có diện tích úng ngập lớn nên việc chuyển đổi sản xuất gặp rất khó khăn. “Dù chuyển sang cây, con gì mà không có phương án tiêu úng thì đều khó khăn” - Trưởng thôn Cam Cao, xã Cam Thượng Quách Văn Trương nhấn mạnh.

Để hạn chế thiệt hại do ngập úng và sớm khôi phục sản xuất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: UBND huyện đã ban hành Văn bản số 1509/UBND ngày 19-9-2017 về khắc phục hậu quả sau mưa bão, khôi phục sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2017. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 50% giá vật tư, giống một số loại cây trồng vụ đông nhằm giúp bà con phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống. Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu thống kê, đánh giá tổng hợp thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn sau cơn bão số 10 trên địa bàn làm cơ sở đề nghị thành phố xem xét, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo quy định...

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng ngập úng, UBND huyện Ba Vì kiến nghị Sở NN&PTNT cùng các ngành chức năng triển khai thi công trên toàn tuyến dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích bảo đảm tiêu thoát nước cho các địa phương dọc tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, giảm thiệt hại cho nông dân khi mùa mưa bão đến...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hộ nông dân huyện Ba Vì đối mặt với nguy cơ mất mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.