Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai: Vấn đề cấp thiết!

Kim Nhuệ| 19/10/2017 07:04

(HNM) - Hoạt động dự báo, cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, nhiều bất cập liên quan khiến chất lượng dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu. Tìm giải pháp khắc phục tình trạng này đang là vấn đề cấp thiết!

Nhân viên Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi diễn biến thời tiết qua hình ảnh vệ tinh.Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN


Bất cập lớn

Sau 3 ngày mưa lớn trên diện rộng và dài ngày, 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... chịu thiệt hại nặng nề, với 75 người chết, 28 người mất tích, 38 người bị thương, 249 ngôi nhà bị sập đổ... Tính riêng TP Hà Nội, mưa lũ đã làm ngập 8.391 ngôi nhà, 10.199 người phải sơ tán; ảnh hưởng, thiệt hại 319ha lúa, 374ha cây ăn quả, 6.111ha hoa màu, 720m2 chuồng trại, 6.899ha nuôi trồng thủy sản; 1.916 gia súc, 108.345 gia cầm bị chết… Tổng giá trị thiệt hại về tài sản của 7 địa phương lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng: Khu vực miền núi thường có đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn ở trạng thái bão hòa nước. Bên cạnh đó, do diện tích rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn, không còn khả năng giữ nước; cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai yếu kém; người dân chưa từ bỏ thói quen sinh sống ven sông, suối, sườn đồi, núi... Đặc biệt, chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai hiện nay còn hạn chế…

"13h ngày 11-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai nhận được dự báo lũ về hồ thủy điện Hòa Bình đang giảm. Nhưng thực tế, lũ đổ về sầm sập, nếu chậm xử lý thì một giờ sau toàn bộ các cửa van của hồ Hòa Bình có thể bị hủy hoại, hậu quả khó lường. Rõ ràng, hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai đang còn một khoảng trống, có khoảng cách rất lớn giữa chất lượng với yêu cầu thực tiễn, cần nhanh chóng khắc phục" - ông Trần Quang Hoài nêu ví dụ liên quan việc phải mở dồn dập 8 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình trong ngày 11-10 vừa qua. Hạn chế hậu quả chỗ này, nhưng kéo theo khó khăn cho nơi khác. Mặc dù chưa có báo cáo chính thức từ cơ quan chức năng về thiệt hại từ việc mở 8 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình nhưng hậu quả gián tiếp làm mực nước trên sông Hồng dâng cao, gây ngập úng tại nhiều nơi…

Liên quan vấn đề dự báo, cảnh báo thiên tai, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: Do mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn của ngành hiện còn thưa, chưa đồng bộ, hiện đại… nên khó dự báo chính xác về định lượng mưa, phạm vi hẹp xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, khi gặp các loại hình thời tiết kết hợp giữa không khí lạnh với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì khâu dự báo định lượng mưa rất khó khăn.

Hiện nay, mạng lưới quan trắc phục vụ công tác dự báo trên phạm vi cả nước có 194 trạm khí tượng bề mặt, 755 điểm đo mưa nhân dân, 23 trạm khí tượng hải văn, 354 trạm thủy văn, 7 radar thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy quang học… Theo ông Hoàng Đức Cường, về số lượng, trạm quan trắc trong mạng lưới là chưa đáp ứng yêu cầu dự báo. Về công nghệ, còn nhiều trạm quan trắc thủ công, số lượng trạm tự động chiếm tỷ lệ nhỏ. Sự thiếu đồng bộ giữa các thiết bị quan trắc tự động, bán tự động và thủ công ảnh hưởng tới quá trình truyền, thu thập số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…

Ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật

Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo sẽ góp phần quan trọng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lớn gây ra tại Hòa Bình làm nhiều người thiệt mạng. Ảnh: Lê Hiếu


Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng dị thường, tiềm ẩn nguy cơ cao rủi ro thiên tai. Để giảm thiệt hại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo được coi là giải pháp quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, đến nay, đã xây dựng 79 trạm đo mưa chuyên dùng; đào tạo 317 giảng viên cấp tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, 703.275 hộ dân được cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Bộ đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận thành tựu khoa học - kỹ thuật để cảnh báo, dự báo các hiện tượng thiên tai. Về việc cảnh báo, dự báo lũ ống, lũ quét, Bộ đã bàn giao bản đồ hiện trạng và bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất cho 14 tỉnh, thành phố; đồng thời, tiếp tục khảo sát, xây dựng chi tiết và cập nhật hằng năm các bản đồ này phục vụ dự báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Về công tác dự báo khí tượng thủy văn, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin đến cấp huyện.

Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn còn thưa. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng trạm quan trắc thông qua quy định, chủ hồ chứa phải có trạm quan trắc đo mưa và thủy văn để bảo vệ hồ chứa và cung cấp dữ liệu cho Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia…

Để cảnh báo sớm hiện tượng dông sét, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan khí tượng của Phần Lan xây dựng hệ thống giám sát và định vị sét cho Việt Nam. Bên cạnh đó, triển khai hoàn thiện hệ thống radar thời tiết độ phân giải cao có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm các trận dông sét, tố lốc, gió giật mạnh...

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để gửi thông tin cảnh báo dông sét đến người dân qua hệ thống điện thoại di động và tăng cường truyền tin bằng các phương thức khác nhau để người dân ở vùng nguy hiểm được tiếp cận theo cách nhanh nhất...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai: Vấn đề cấp thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.