Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống "xanh" ở Hương Sơn

Nguyễn Mai| 28/10/2017 07:12

(HNM) - Là nơi có rừng phòng hộ, có khu danh thắng Hương Sơn, mỗi năm đón hàng triệu du khách tham quan, bởi vậy, việc giữ môi trường xanh, sạch, đẹp có vai trò quan trọng ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Đặc biệt, phong trào sống

Thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Hương Sơn.



Rừng đặc dụng có hệ sinh thái động, thực vật trên núi đá vôi phong phú, đa dạng, tạo cho Hương Sơn cảnh quan thiên nhiên đẹp, đồng thời là kho dự trữ to lớn về bảo tồn nguồn gen các loài quý hiếm. Tuy nhiên, do tác động của con người trong việc khai thác quá mức tài nguyên, chặt phá rừng, buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang thách thức công tác bảo vệ giá trị vốn có của rừng Hương Sơn.

Theo Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi, thành phố đã có kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên phục hồi và phát triển đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên khu vực Hương Sơn. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với chính quyền xã Hương Sơn và huyện Mỹ Đức tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và nhận thức cộng đồng, thí điểm mô hình sống "xanh" nhằm góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, mới đây, Sở phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình sống "xanh" cho 150 người dân xã Hương Sơn.

Là một trong những người tham gia tập huấn, bà Nguyễn Thị Xuyên (thôn Đục Khê) cho biết: Chúng tôi đã được tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học, hướng dẫn thay đổi thói quen sống, hướng tới lối sống tích cực bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; được giới thiệu và tham gia vào mô hình sống "xanh" tại địa phương. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ chế phẩm vi sinh để ủ phân hữu cơ từ rác thải hữu cơ, các sản phẩm thừa từ sinh hoạt..., an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Vương Trọng Đạo, trước năm 1995, người dân xã Hương Sơn thường vào rừng khai hoang đất trồng sắn, cây ăn quả và khai thác củi. Từ khi trở thành rừng đặc dụng, UBND xã và Ban Quản lý rừng vận động người dân trồng cây, gây rừng kết hợp công tác tuyên truyền nên nhận thức của nhân dân về bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Cho đến nay, trên địa bàn Hương Sơn không xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng; việc săn bắt động vật hoang dã được nghiêm cấm.

Không chỉ bảo vệ đa dạng sinh học của rừng, xã Hương Sơn còn bảo vệ môi trường các dòng suối, đặc biệt là suối Yến. Trong những năm qua, địa phương đã nghiêm cấm việc đánh bắt cá bằng điện trên suối. Từ xuân hội 2017, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng cấm sử dụng xuồng máy chở khách tham quan nhằm bảo đảm lòng suối luôn trong sạch. Ngoài ra, xã Hương Sơn thành lập các tổ thu gom rác, duy trì phong trào tổng vệ sinh môi trường toàn xã vào ngày 26 hằng tháng. Hằng năm, xã Hương Sơn tổ chức tẩy trùng môi trường tại các khu vực chợ, bến đò bằng vôi bột, hóa chất...

Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Yên Đoàn Thị Thản cho biết, việc giữ gìn sạch đẹp từ gia đình đến ngõ xóm hiện nay đã trở thành nếp sinh hoạt đẹp trong cộng đồng. Nhờ môi trường tốt và thu nhập ổn định từ làm dịch vụ du lịch kết hợp làm vườn rừng, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với ý thức bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cùng với mô hình sống "xanh", người dân xã Hương Sơn đang góp phần quan trọng vào bảo tồn thiên nhiên, môi trường vùng rừng Hương Sơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống "xanh" ở Hương Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.