Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bão số 12 gây nhiều thiệt hại, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả

Theo Tin Tức| 04/11/2017 14:25

Sáng 4-11, bão số 12 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk - Lâm Đồng, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 12.


Ngành Điện lực và Công trình đô thị đang dọn dẹp và sửa chữa, để khôi phục điện và cảnh quan môi trường tại thành phố Nha Trang. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN


* Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng mất điện xảy ra trên diện rộng khiến cho việc cập nhật thông tin từ tuyến cơ sở về các cơ quan chức năng cấp tỉnh rất khó khăn. Đến trưa 4-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có thống kê ban đầu về thiệt hại do cơn bão số 12 đổ bộ vào địa bàn tỉnh gây ra vào sáng sớm cùng ngày.

Tuy nhiên, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản đầu tiên gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa đề nghị phối hợp cứu hộ khẩn cấp đối với 38 người dân đang bị mắc kẹt tại một số địa điểm trên vùng biển huyện Vạn Ninh.

Theo thông tin cứu hộ cứu nạn nhận được từ người dân và chính quyền địa phương thuộc huyện Vạn Ninh, hiện tại có 8 người đi trên các bè gỗ bị vỡ và mắc kẹt tại mũi Hòn Gà, Hòn Dung (xã Vạn Thạnh); 30 người mắc kẹt tại mũi Hòn Già (xã Vạn Hưng). Những người này đang trong tình cảnh bị ướt lạnh, không có thức ăn, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất lớn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị hai đơn vị nói trên khẩn trương ứng cứu những người bị nạn vào đất liền an toàn trong thời tiết mưa bão.

* Cơn bão số 12 đổ bộ vào vùng biển gần bờ và vùng đất liền tỉnh Bình Định vào tối ngày 3 và sáng 4-11 với sức gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 12 đến cấp 15, gây thiệt hại về người và tài sản. Thống kê sơ bộ đến sáng 4-11, tỉnh Bình Định đã có một người chết, 4 người mất tích, hàng chục tàu thuyền bị chìm, 50 tàu khác đang chờ ứng cứu…

Tàu cá PY99777TS của ngư dân Phú Yên bị sóng đánh dạt vào bờ biển thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN


Bên ngoài vùng biển Quy Nhơn hiện có 50 tàu hàng với hàng trăm thuyền viên đang cần ứng cứu. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tập trung ứng cứu, song các tàu cứu hộ tại Bình Định vẫn chưa thể ra khơi do sóng to, gió lớn.

Điều đáng lo ngại là các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định chưa biết chính xác số lượng thuyền viên trên các tàu. Các tàu này đã neo đậu ngoài khu vực phao số 0 từ nhiều ngày nay để chờ giải phóng và lên hàng tại các cảng biển tại Quy Nhơn nhưng vì biển động trong nhiều ngày qua nên không vào được mà neo đậu bên ngoài để chờ; trong số đó có tàu hàng Jupiter (quốc tịch Campuchia) có 7 thuyền viên, tàu bị hỏng bánh lái, đang thả trôi tại vùng biển Quy Nhơn. Một tàu cá khác chưa rõ số hiệu bị chìm tại phao số 2, cảng Quy Nhơn.

Ngoài ra, có 3 tàu hàng khác đã bị chìm là tàu Biển Bắc 16, tàu Hoa Mai 68, tàu Sơn Long 08 bị chìm tại khu vực phao số 0, cảng Quy Nhơn. Có 24 thuyền viên của các tàu này đã được cứu nhưng vẫn chưa biết chính xác số thuyền viên đang còn gặp nạn.

Cơn bão cũng đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân Bình Định. Nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão này là bà Huỳnh Thị Kim Phú, trú thôn Kim Tây, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Bốn người đã mất tích do kiểm tra lồng bè nuôi trồng thủy sản bị sóng đánh chìm thuyền, 5 người khác ở trên bè cá không vào bờ được do sóng lớn; có 10 tàu cá của ngư dân thành phố Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn bị sóng đánh chìm, 2 tàu cá ngư dân Bình Định neo đậu tại Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng bị sóng đánh chìm, 1 tàu bị trôi dạt. Tàu cá mang số hiệu PY99777TS của ngư dân Phú Yên bị sóng đánh dạt lên vùng bờ biển Quy Nhơn.

Toàn tỉnh Bình Định đã có 22 ngôi nhà bị sập, 16 ngôi nhà bị tốc mái; 3 địa phương bị nước lũ hoặc sạt lở đất cô lập hoàn toàn là xã Canh Liên, làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) và làng Cà Ke (xã Canh Thuận) đều thuộc huyện Vân Canh.

Hiện tại, nhiều vùng trũng thấp, nhiều tuyến đường tại các địa phương trong tỉnh Bình Định đã bị ngập. Trong khi đó, lượng mưa đo được tại các địa phương trong đêm 3-11 là từ 84mm - 163mm. Nhiều hồ chứa nước đã xả lũ, trong đó hồ Định Bình có lưu lượng xả lũ lớn hơn lưu lượng nước đến (lưu lượng xả 210m3/giây so với lưu lượng đến 190m3/giây); đập Văn Phong xả lưu lượng ngang bằng lưu lượng nước đến 259,8m3/giây.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn đang tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, khả năng nước lũ sẽ lên nhanh, gây lũ và ngập úng tại nhiều địa phương và thiệt hại sẽ còn tăng hơn nữa trong những ngày tới.

* Cơn bão số 12 gây ra mưa to và gió lớn tại tỉnh Phú Yên, làm gãy đổ nhiều cây xanh tại các khu vực đô thị, khu dân cư. Lũ cũng đang lên rất nhanh trên các sông. Tính đến 9 giờ 30 phút ngày 4-11, tại tỉnh Phú Yên đã có 1 người bị mất tích và 4 người bị thương. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 946 ngôi nhà của người dân và trụ sở các cơ quan, đơn vị bị tốc mái.

Tại thành phố Tuy Hòa, gió bắt đầu mạnh lên từ gần 2 giờ sáng. Dọc các tuyến đường chính của thành phố Tuy Hòa, cây xanh, các pano quảng cáo bị ngã đổ cộng với lượng mưa lớn làm đường ngập khiến giao thông đi lại rất khó khăn.

Hệ thống giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuyến đường sắt Bắc Nam đã bị tắc nghẽn, 2 tàu hàng bị mắc kẹt tại ga Đông Tác và ga Hòa Đa. Một số tuyến quốc lộ bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Riêng Quốc lộ 1, xe vẫn có thể lưu thông được nhưng cần hạn chế tốc độ.

Nhiều trụ điện của đường dây 22kV bị gãy đổ. Công ty Điện lực Phú Yên đã phải cắt điện toàn thành phố để đảm bảo an toàn.

Mặc dù đã vào nơi tránh trú an toàn nhưng nhiều tàu thuyền của ngư dân bị chìm do sóng biển đánh quá mạnh; cụ thể thị xã Sông Cầu có 22 chiếc, huyện Tuy An có 4 chiếc, huyện Đông Hòa có 3 chiếc.

Trước khi bão số 12 đổ bộ vào, tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các hồ thủy điện cho xả nước đón lũ nhưng 2 hồ thủy điện là Sông Ba Hạ và Sông Hinh nước đã dâng đến mực nước thiết kế, buộc phải xả lũ. Lưu lượng xã lũ hiện nay cụ thể là: Thủy điện Sông Ba Hạ là 5.600 m3/giây và Thủy điện Sông Hinh là 1254m3/giây.

* Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ tối ngày 3 đến sáng 4-11 mưa lớn tiếp tục kéo dài, trong đó lượng mưa lớn, gió mạnh nhiều nhất ở các huyện M’Đrăk, Lăk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Ea H’leo với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến đạt từ 200 - 300mm, có nơi trên 300mm.

Tại huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông… đã có hàng loạt nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng; cột điện, cây xanh ven đường bị nghiêng, gãy đổ; một số tuyến đường giao thông trên địa bàn bị chia cắt do nước suối dâng cao gây ngập sâu các ngầm tràn; nhiều diện tích cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa, hoa màu ngã đổ, ngập chìm trong nước; nhiều thôn, buôn bị cô lập...

Tỉnh cũng tổ chức di dời khẩn cấp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị ngập sâu, riêng tại buôn Luếch, xã vùng sâu Krông Jing (huyện M’Đắk) đã di dời 100 hộ dân. 14/16 xã của huyện Ea Kar đã cắt điện để đảm bảo an toàn do nhiều trụ điện bị ngã đổ. Một số hồ thủy lợi lớn đã xả lũ và dự kiến xả lũ, cụ thể như: Hồ Krông Buk hạ: 38m3/s; hồ Ea Súp thường: 70m3/s; hồ Ea Rớt: khoảng 20m3/s….

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, cùng các sở, ngành, địa phương đã đưa lực lượng, phương tiện về các huyện phía Đông của tỉnh bị ảnh hưởng nặng của cơn bão số 12 như huyện M’Đắk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng triển khai ngay các biện pháp ứng cứu để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan vận hành hạ mực nước các hồ chứa để chủ động đón lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du…

* Ngày 4-11, do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, nhiều khu vực bị mất điện. Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.


Cây xanh bị đổ ngã tại Quảng trường thành phố Tam Kỳ. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng/TTXVN


Tại huyện miền núi Nam Trà My, từ chiều 3-11 đã mất điện trên phạm vi toàn huyện do cây rừng ngã đổ vào hệ thống đường dây điện. Việc mất điện đã gây khó khăn cho công tác nắm tình hình, chỉ đạo phòng chống thiên tai ở huyện Nam Trà My. Công ty Điện lực Quảng Nam đang huy động lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố mất điện ở huyện Nam Trà My, vùng ven huyện Núi Thành, huyện Thăng Bình và dự kiến đến trưa 4-11 sẽ đóng điện trở lại. Tại thành phố Tam Kỳ, gió lớn cũng làm nhiều cây xanh ở nhiều tuyến đường bị ngã đổ. Công nhân thành phố đang tiến hành cắt tỉa cành cây gãy đổ, dựng lại cây để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

* Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 12 nhưng tại Quảng Ngãi có gió lớn, biển động dữ dội, mực nước các sông trên địa bàn đang lên nhanh, nguy cơ xảy ra sạt lở đối với các huyện miền núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp ven sông một số địa phương của tỉnh.

Tổng lượng mưa trong 12 giờ qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phổ biến từ 70 -120mm, một số nơi cao hơn như: Châu Ổ - huyện Bình Sơn (199mm), Sơn Giang - huyện Sơn Hà (180mm).

Hiện nay lũ trên các sông trong tỉnh đang lên nhanh. Sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 3.50m, ở mức báo động 2; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 5.50m, trên mức báo động 2; sông Vệ tại trạm sông Vệ: 4.20m, dưới mức báo động 3: 0.30m; sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 3.50m, ở mức báo động 1. Nguy cơ cao có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long. Ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp ven sông một số địa phương của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

Ông Huỳnh Ngọc Quận - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Chính quyền địa phương đã chia thành nhiều đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ, trong đó tập trung tại vùng ven sông Vệ. Trong trường hợp nước lũ trên sông Vệ vượt mức báo động 3, huyện sẽ triển khai di dời khoảng 1.200 hộ dân sống dọc ven sông ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại đảo Lý Sơn, từ chiều 3-11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 đã có gió mạnh cấp 8-9 kèm theo mưa to, biển động dữ dội. Hàng trăm tàu của ngư dân đã kịp vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên, nhiều chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản tại hai xã An Hải và An Vĩnh do chủ quan, không kịp kéo vào bờ nên đã thiệt hại nặng nề. Trong tổng số 27 lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân hiện có 23 lồng bè, với gần 80 ngàn con tôm, cá đang trong thời kỳ xuất bán đã bị sóng biển nhấn chìm. Bà Trần Thị Mạnh, trú tại thôn Tây xã An Vĩnh cho biết: "Gia đình tôi nuôi 3.500 con cá bớp, cá chuẩn bị xuất bán. Nay sóng lớn đã nhấn chìm toàn bộ số lồng cá, bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nuôi cá giờ mất trắng".

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: Khi nhận được thông tin về hướng đi của bão số 12, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển lồng bè nuôi cá vào vũng neo đậu nhưng nhiều người nuôi tôm, cá trên biển chủ quan dẫn đến những thiệt hại này. Ước tính, thiệt hại của 23 lồng bè nuôi trồng thủy sản khoảng 45 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều diện tích hành vụ Thu Đông chưa kịp thu hoạch cũng bị hư hỏng.

* Sáng 4-11, tại huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã có gió to do ảnh hưởng của bão số 12, gây thiệt hại về tài sản của người dân trong vùng. Toàn huyện đã có 11 căn nhà bị tốc mái (trong đó, xã Phước Đại có 8 căn, xã Phước Thành có 2 căn và xã Phước Bình có 1 căn); 4 phòng học thuộc trường tiểu học Phước Thành B tốc mái; 1 nhà ăn của trường mẫu giáo Phước Đại bị sập; 1 trụ ăng ten tại xã Phước Tiến bị đổ và mất điện trên toàn địa bàn huyện... Các đơn vị chức năng đang cùng chính quyền địa phương khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại.

Từ ngày 2 đến sáng 4-11, tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống cơn bão số 12, tổ chức di dời hơn 36.000 nhân khẩu tại tác vùng xung yếu đến nơi an toàn. Hiện các ngành, địa phương trong tỉnh đang cùng người dân tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống bão, tổ chức di dời thêm 19.000 nhân khẩu ra khỏi vùng trũng thấp, vùng dễ sạt lở, dễ bị chia cắt, đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chặt chẽ quy trình xả lũ các hồ chưa nước; rà soát lại các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cử lực lượng trợ giúp những nơi dễ sạt lở, ngập, các tràn, suối...

Ninh Thuận chú trọng công tác quản lý tàu thuyền, ngăn chặn tàu thuyền tự ý ra khơi; chuẩn bị lực phương tiện cứu hộ, cứu nạn vùng biển, vùng bờ; hỗ trợ người dân ứng phó, kịp thời khắc phục sự cố; chủ động tuyên truyền, cảnh báo người dân không vào rừng, lội suối và tập trung các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em trong những ngày mưa bão.

Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Đô cho biết, tối 3-11, huyện đã tổ chức di dời hơn 8.000 khẩu tại hai khu vực An Hải và Phước Thuận. Sáng 4-11, huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra thực hiện phương án di dời dân ra khỏi vùng trũng thấp, vùng dễ sạt lở, dễ bị chia cắt, đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cử lực lượng trợ giúp những nơi dễ sạt lở, ngập, các tràn như Suối Tầm Rá, khu vực ven sông Dinh - Vũng Sao, Cầu Chá…

* Sáng 4-11, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có mưa và gió, chủ yếu ở các huyện phía Bắc như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, tuy nhiên lượng mưa chỉ khoảng 10 - 20mm, lượng nước trên các sông, suối, hồ thủy lợi chưa có sự thay đổi nhiều. Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh Đắk Nông đang theo dõi sát diễn biến của cơn bão để ứng phó.

Theo ông Lê Viết Thuận - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai xấu nhất có thể xảy ra. Hiện tại, các đoàn công tác của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã về các địa phương kiểm tra, hỗ trợ công tác ứng phó với cơn bão 12.

Trước đó, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các địa phương thông báo, vận động và kiên quyết di dời các hộ dân sống ở các khu vực ven sông, ven suối, vùng trũng thấp và sống ở chân đồi, núi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét lên các vị trí cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; tuyệt đối không được băng suối đi rẫy trong những ngày mưa bão nhằm tránh bị lũ cuốn; hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa, công trình trường học, bệnh viện… chủ động đề phòng lốc xoáy, gió lớn.

Đối với hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi, cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý vận hành cử người túc trực 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, lưu lượng nước về hồ, vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, thông tin kịp thời việc xả lũ cho người dân để tránh thiệt hại cho vùng hạ du; kịp thời báo cáo để xử lý khi có tình huống xảy ra.

* Sáng 4-11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã đến huyện Cần Giờ kiểm tra công tác phòng, chống bão số 12.

Ông Lê Thanh Liêm đã đến thăm hỏi người dân đang tránh bão tại các trường học, nhà văn hóa, đồng thời kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đánh cá tại các bến cảng. Tại bến cảng Cơ Khí, huyện Cần Giờ, nơi neo đậu tránh bão của nhiều tàu thuyền đánh cá, ông Lê Thanh Liêm đã hỏi thăm tình hình đánh bắt cá của ngư dân cũng như tìm hiểu công tác neo đậu và chuẩn bị ngư cụ chuẩn bị ra khơi sau khi ổn định tình hình.

Trong buổi làm việc với các lực lượng chức năng và lãnh đạo huyện, ông Lê Thanh Liêm yêu cầu: Mặc dù bão số 12 không đổ bộ vào TP Hồ Chí Minh nhưng các cơ quan, đơn vị không được chủ quan, cần duy trì việc cấm biển, chờ những bản tin thời tiết tiếp theo cũng như chỉ đạo của UBND thành phố; cần đảm bảo chăm lo chu đáo cho người già, trẻ em và sản phụ mới sinh tại các bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn. Huyện Cần Giờ cần lo đầy đủ thức ăn, nước uống cho người dân còn đang tiếp tục trú bão tại các địa điểm đến khi người dân trở về nhà.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Hiện phần lớn người dân tại các điểm tránh bão đã được đưa về nhà ổn định cuộc sống. Huyện cũng thực hiện các công tác đảm bảo cho người dân ổn định sản xuất. Việc cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt cá vẫn đang được duy trì cho đến khi có chỉ đạo của UBND thành phố.

Trước đó, trong đêm ngày 3 và rạng sáng 4-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo huyện ven biển Cần Giờ cùng người dân nơi đây đã thức trắng đêm triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 12.

Trụ sở UBND huyện Cần Giờ và các công trình lân cận như Nhà văn hóa, Nhà thiếu nhi huyện, Trường Trung học cơ sở Cần Thạnh, Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh được bố trí cho người dân thị trấn Cần Thạnh vào tránh bão.

Tại huyện Cần Giờ, hơn 3.500 người dân đã được đưa đến các địa điểm tránh bão, 742 tàu thuyền đánh cá đã vào nơi neo đậu an toàn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cùng lãnh đạo huyện Cần Giờ đến kiểm tra những nơi neo đậu tàu thuyền, nơi người dân tránh tránh bão, những vị trí có nguy cơ sạt lở xuyên suốt trong đêm 3-11 nhằm có những chỉ đạo kịp thời khi bão đổ bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bão số 12 gây nhiều thiệt hại, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.