Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý đối tượng thi hành án tại cộng đồng: Còn nhiều khó khăn

Việt Tuấn| 07/11/2017 07:18

(HNM) - Qua hoạt động giám sát vừa được Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội thực hiện cho thấy những khó khăn, tồn tại trong quản lý đối tượng thi hành án tại cộng đồng.


Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội làm việc với cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Thường Tín.


Phối hợp chưa chặt chẽ

Theo thống kê của cơ quan Thi hành án hình sự Công an TP Hà Nội, tính đến tháng 8-2017, toàn thành phố có hơn 46.000 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú; hơn 6.000 đối tượng đang chấp hành án tù treo và hơn 1.000 đối tượng cải tạo không giam giữ.

Xác định công tác quản lý các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc khó, cần sự vào cuộc phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở nên ngay sau khi tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự các quận, huyện, thị xã đã triệu tập bị án để ấn định thời gian phải có mặt tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người chấp hành án cư trú. Đồng thời tổ chức cho bị án viết cam kết chấp hành án, thiết lập hồ sơ và bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn để theo dõi, giám sát, giáo dục theo quy định.

Dù vậy, do cơ quan thi hành án hình sự mới thành lập (năm 2011), lực lượng cán bộ đa số trẻ hoặc mới chuyển công tác từ các đơn vị nghiệp vụ khác sang, chưa qua đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực thi hành án hình sự nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, giám sát tại cơ quan thi hành án hình sự các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Thường Tín, Quốc Oai…, các đơn vị đều cho rằng, ngoài khó khăn trên, thì việc phối hợp quản lý của các đoàn thể cơ sở và gia đình đối tượng chưa chặt chẽ, hiệu quả; nhiều nơi hồ sơ đối tượng được lập, nhưng không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, địa điểm sinh sống của đối tượng.

Trung tá Đinh Tuấn Thành, thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an quận Hai Bà Trưng cho rằng, trách nhiệm thì cùng phối hợp quản lý, nhưng một số chính quyền và đoàn thể tại cơ sở chưa thực sự quan tâm, có nơi gần như “khoán trắng” cho lực lượng công an phường. Đặc biệt, do phải mưu sinh, nhiều đối tượng chấp hành án thường xuyên thay đổi nơi cư trú, dẫn đến khó quản lý, rất dễ tái phạm, trong khi đó chế tài xử lý hành chính còn nhẹ, khó thực hiện.

Cùng chung khó khăn, Thượng tá Phạm Ngọc Kim, Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức. Thêm nữa, việc quản lý là đặc thù, nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ người trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Bên cạnh những khó khăn trên, theo Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín, nhiều trường hợp chấp hành xong hình phạt, nhưng UBND cấp xã chậm bàn giao hồ sơ để cơ quan thi hành án hình sự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt cho các đối tượng so với quy định. Vì thế, từ năm 2016 đến tháng 8-2017, huyện có 48 đối tượng chấp hành xong bản án, nhưng mới có 28 người được nhận giấy chứng nhận.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Qua đợt giám sát về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong bản án phạt tù trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều thành viên Ban Pháp chế HĐND thành phố cho rằng, thực tế việc quản lý các đối tượng đang rất khó khăn. Ngoài thiếu các văn bản dưới luật, thì vai trò của các ngành, đoàn thể chưa phát huy hết trách nhiệm. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về công tác đặc xá, công tác thi hành án hình sự còn hạn chế nên vẫn còn tư tưởng, biểu hiện kỳ thị, xa lánh đối tượng. Việc giúp đỡ tạo việc làm, có thu nhập để tái hòa nhập cộng đồng đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù không hiệu quả. Do vậy, nếu không có sự tuyên truyền tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân thì công tác này khó chuyển biến.

Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Nguyễn Liên Hương kiến nghị, TP Hà Nội tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp và các ban, ngành, đoàn thể được phân công giúp đỡ các đối tượng. “Việc quản lý, giúp đỡ cần cộng đồng trách nhiệm, bao gồm cả chính quyền, đoàn thể, gia đình, dòng họ thì mới thực sự hiệu quả” - bà Nguyễn Liên Hương nói.

Thượng úy Đinh Văn Trinh, Phó Trưởng Công an thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) cũng cho rằng, cần phải kiện toàn lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, tổ chức xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa lực lượng cảnh sát khu vực với các đoàn thể quần chúng trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, Ban Pháp chế sẽ tham mưu với HĐND thành phố kiến nghị trung ương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và các văn bản liên quan; trong đó có chế độ đãi ngộ với cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự tại địa phương nhằm tăng trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự. Ngoài ra, để kiểm tra, theo dõi chính xác, kịp thời, tránh chồng chéo, các cơ quan thi hành án hình sự cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thuận lợi cho thống kê, phục vụ việc xác nhận cho các đối tượng đã chấp hành xong hình phạt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý đối tượng thi hành án tại cộng đồng: Còn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.