Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho người lao động

Khánh An| 10/11/2017 06:54

(HNM) - Các doanh nghiệp đang nợ hàng chục nghìn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, nhưng việc khởi kiện còn gặp nhiều khó khăn. Để gỡ khó cho người lao động, bên cạnh những kiến nghị về chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra giải pháp khi người lao động muốn chốt sổ bảo hiểm xã hội...

Người dân đến làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam



Doanh nghiệp nợ 15.000 tỷ đồng bảo hiểm xã hội


Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số tiền các doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hiện đã lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi. Khoản nợ nói trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 193.000 lao động. Trong số doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, không ít đơn vị hằng tháng vẫn đều đặn trừ lương của người lao động, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này còn tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ và bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động một số tỉnh, thành phố đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp trốn hoặc nợ tiền BHXH. Khi nhận được thông báo khởi kiện, một số doanh nghiệp đã thanh toán tiền nợ. Tổng số tiền thu hồi được từ năm 2016 đến nay là hơn 406 tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.352 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH do cơ quan BHXH chuyển sang. 20 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã khởi kiện 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH. Trong số đó, Tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành công 28 vụ, trả lại 48 hồ sơ khởi kiện. Số còn lại không thụ lý hồ sơ với nhiều lý do như: Không có giấy ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở ủy quyền cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện; không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; đề nghị xem xét xử lý hành chính và hình sự; tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết...

Theo ông Bùi Văn Cường, việc tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng.

Đóng tới đâu, chốt sổ tới đó

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ tiền BHXH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã đề xuất một số kiến nghị tới Quốc hội và các cơ quan liên quan. Trong đó có việc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ BHXH theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp huyện cần quan tâm, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật. Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức Công đoàn phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH và sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe, cảnh báo, phòng ngừa các hành vi tương tự.

Trong khi chờ đợi các quy định pháp luật được hoàn thiện để khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã tạo điều kiện cho người lao động có thể chốt sổ BHXH khi muốn chuyển nơi làm việc. Ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Chính phủ cũng đã quy định việc giải quyết quyền lợi của người lao động đối với những đơn vị nợ tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp giải quyết chính sách BHXH, chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị nợ, cho phép người lao động và đơn vị sử dụng lao động đóng riêng cho những trường hợp dừng đóng để giải quyết quyền lợi cũng như di chuyển địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số vướng mắc, do đó, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, quy định việc xác nhận sổ BHXH trên nguyên tắc người lao động đóng tới thời điểm nào, xác nhận sổ tới thời điểm đó và người lao động cầm sổ đó để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi doanh nghiệp đóng khoản tiền nợ thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH. Hiện tại, BHXH Việt Nam đang hoàn thiện các phần mềm quản lý và triển khai quyết định này tới tất cả các quận, huyện trên toàn quốc.

Ông Vũ Mạnh Chữ lưu ý, khi người lao động dừng đóng BHXH tại một đơn vị và muốn chốt sổ tại đơn vị đó, thì chỉ cần kê khai trên mẫu D02 của cơ quan BHXH, sau đó gửi cho đơn vị kê khai, rồi chuyển cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH trên cơ sở đó sẽ xác nhận sổ cho người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.