Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh: Tăng lương và thu nhập nhưng tránh cào bằng

Bảo Hân| 20/11/2017 17:39

(HNMO) - Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về nội dung cho phép thành phố được quyền quyết định chi thu nhập bình quân tăng thêm...


Thời điểm đã chín muồi

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là thời điểm chín muồi để QH ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên).


Từ chủ trương của Bộ Chính trị, báo cáo đề nghị giải trình của UBND TP Hồ Chí Minh đến nội dung Tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội là một quá trình chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và đầy trách nhiệm, thể hiện sự cần thiết, tính cấp bách của vấn đề.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP, sau hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp, bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do đó, có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan và công bằng.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thái Học, 5 nội dung cho phép TP Hồ Chí Minh tiến hành thí điểm để thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù như dự thảo Nghị quyết nêu là những lĩnh vực từ thực tiễn cho thấy cần có sự thay đổi về cơ chế quản lý, hành lang pháp lý.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ yên tâm trước sự đồng thuận rất lớn của các vị ĐBQH khi đề cập tới việc thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai).


"Có đại biểu đã dùng khái niệm là "đã chín muồi" nhưng tôi cho rằng nó đã "chín mõm" rồi. Điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa. Từ một thành phố sầm uất, nó đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó... Tôi rất tin không cần phải đến 5 năm, nếu chúng ta làm tốt, những cơ chế sẽ được ứng dụng ở những nơi khác, sự hưởng lợi chung của cả nước. Thành công của TP Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước" - đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Tăng thu nhập phải dựa vào hiệu quả công việc

Bàn thảo về các vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu tập trung làm rõ về nội dung Nghị quyết cho phép thành phố được quyền quyết định chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc chức vụ, mức lương ngạch bậc theo hiện hành.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)


"TP Hồ Chí Minh là thành phố hết sức phát triển và mức sống rất cao. Với mức sống cao như vậy, trần 1,8 lần lương cơ bản là không hợp lý. Không nên để trần, không cào bằng mà nên giao quyền cho HĐND thành phố có quyết định dựa trên cân đối thu - chi ngân sách để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tùy theo khả năng đóng góp, hiệu quả công việc mà người ta đóng góp lại cho cơ sở, cho xã hội. Đây chính là điều kiện quan trọng để chúng ta không cào bằng, không bình quân chủ nghĩa, tạo động lực cho cán bộ làm việc ngày càng tốt hơn" - đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) băn khoăn, khi TP Hồ Chí Minh đã được trao một cơ chế rất rộng và thúc đẩy phát triển thì tại sao lại bị áp mức 1,8. Đại biểu đề nghị nên giao cho thành phố quản lý căn cứ vào cống hiến, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chất lượng, hiệu quả công tác và kết quả đầu ra. 

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) lại cho rằng, cần khống chế ở mức 1,8 và thống nhất ở mức này nhưng trong nghị quyết cần ghi rõ phần tăng thêm phải dựa vào hiệu quả công việc theo chức vụ và vị trí việc làm qua những việc cơ quan phân công thì mới được điều chỉnh tăng. Không phải tăng cào bằng là hệ số 1,8 lần.

"Có như thế thì mới khuyến khích người lao động làm việc có trách nhiệm và mẫn cán, tránh tình trạng tăng cào bằng lên 1,8 lần là "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" - đại biểu Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định).


Quan tâm tới cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phân tích, khi lương tăng thì có thể chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng. Điều này khiến các đối tượng hưởng lương, cán bộ hưu trí, các đối tượng chính sách không tăng sẽ chịu ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng những băn khoăn của các đại biểu là xác đáng. Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh và mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP và thu ngân sách cho cả nước.

Theo dự kiến, chiều ngày làm việc cuối cùng 24-11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh: Tăng lương và thu nhập nhưng tránh cào bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.