Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ già hóa, thiếu sức cạnh tranh

Hà Hiền| 22/11/2017 06:26

(HNM) - Lực lượng lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ già hóa, thiếu việc làm; thị trường lao động còn lạc hậu, sức cạnh tranh chưa cao,… là những vấn đề đã được các nhà quản lý, nghiên cứu nhiều lần cảnh báo.

Cần có các chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng lao động và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Viết Thành


Nhiều mối lo

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), lực lượng lao động Việt Nam hiện nay là hơn 54,5 triệu người, tăng gần 2,2 triệu người so với năm 2012. Lực lượng lao động còn khá trẻ, nhưng xu hướng chuyển dịch lao động lại cho thấy tình trạng già hóa xuất hiện trên thị trường. Cụ thể là, lực lượng lao động trẻ (dưới 34 tuổi) giảm từ mức hơn 39% năm 2012 xuống chỉ còn hơn 37% (năm 2017); lực lượng lao động cao tuổi (nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi) tăng từ 10,5% (năm 2012) lên hơn 12% (năm 2017). Hiện tại, lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế ngang bằng thanh niên.

Bên cạnh xu hướng già hóa của lực lượng lao động còn là nỗi lo về chất lượng lao động còn thấp, sức cạnh tranh kém. Đến nay, cả nước mới có gần 24% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý. Thu nhập lao động tuy đã tăng từ hơn 63 triệu đồng/người (năm 2012) lên hơn 84 triệu đồng/người (năm 2017), nhưng còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động và thủy sản mới bằng 25-30% khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ, trong khi lao động làm việc trong lĩnh vực này chiếm tới hơn 40% tổng số lực lượng lao động xã hội. Tình trạng lao động thanh niên, lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên thất nghiệp vẫn ở mức báo động.

Vấn đề cần lưu tâm nữa là tỷ lệ lao động có việc làm ở nước ta tương đối cao, nhưng lao động phi chính thức còn chiếm hơn 30%, tương đương gần 19 triệu người có việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh và chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Lao động di cư từ nông thôn đến thành thị duy trì mức tăng trung bình 6%/năm đã và đang tạo ra không ít vấn đề xã hội, dân sinh cần giải quyết… Và theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, 75% lao động ngành điện tử, 86% lao động ngành dệt may, da giầy của Việt Nam có nguy cơ bị máy móc thay thế. Nguy cơ này có thể dẫn đến những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tạo gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội. “Dấu hiệu già hóa xuất hiện trên thị trường lao động cho thấy “lợi tức nhân khẩu” đang trên đà giảm. Nói cách khác, lực lượng lao động dồi dào không còn là thế mạnh của thị trường lao động Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng lao động, phát triển thị trường lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cảnh báo.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để thị trường lao động tránh được những nguy cơ nêu trên, ông Đào Quang Vinh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Chính sách này cần phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học, trong đó ưu tiên tạo việc làm cho lao động sau tuổi nghỉ hưu. Chương trình giáo dục, đào tạo nghề cần được điều chỉnh theo hướng tiếp cận thị trường và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Lao động phi chính thức cần được thúc đẩy chuyển dịch sang chính thức thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề… Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Nhà nước nên tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng lõi nghèo; tạo cơ chế huy động nguồn lực giảm nghèo từ khu vực ngoài nhà nước, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội…

Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn mong muốn các đơn vị liên quan nghiên cứu rõ hơn xu hướng lao động, việc làm, nhất là xu hướng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, lao động bị mất việc do máy móc thay thế làm cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế sự trục lợi các chính sách hỗ trợ, ưu tiên.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông André Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị, Việt Nam nên đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc bảo vệ quyền của người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, bình đẳng giữa nam và nữ. Những người chuẩn bị bước vào tuổi lao động cũng như người trưởng thành cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, hệ thống an sinh xã hội cần bao phủ, tác động đến mọi đối tượng lao động, nhất là nhóm người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.

Qua đó có thể nhận thấy, xu hướng phát triển lao động và xã hội ở nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Hy vọng cơ quan chức năng sớm đưa ra các chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng lao động, thị trường lao động và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ già hóa, thiếu sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.