Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đầu mối, rõ trách nhiệm

Trung Hiếu - Hiền Chi| 22/11/2017 07:03

(HNM) - Chính phủ đã đồng ý cho phép Hà Nội thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện trong 2 năm, đồng thời giao cho các cơ quan liên quan xây dựng đề án thí điểm...

Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng cưỡng chế một công trình xây dựng sai phép trên địa bàn quận. Ảnh: Hải Linh


Chuyển biến tích cực

Trước đây, đội ngũ quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội trực thuộc các quận, huyện. Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, thành phố đã làm thủ tục, hồ sơ tiếp nhận, bàn giao lực lượng thanh tra xây dựng về Sở Xây dựng đối với 1.364 cán bộ, công chức đủ điều kiện. Đồng thời, thanh tra xây dựng thành phố hình thành các đội thanh tra xây dựng quận, huyện để quản lý địa bàn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, mô hình này xuất hiện nhiều bất cập. Cụ thể, theo ông Ngô Quyết Thắng, Trưởng phòng Tổng hợp thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết - sự phối hợp giữa lực lượng quản lý trật tự xây dựng và chính quyền cơ sở còn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.

Trước những bất cập đó, ngày 20-7-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND, về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. Ngày 29-7-2016, Giám đốc Sở Xây dựng đã tổ chức bàn giao cho Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng địa bàn. Từ ngày 1-9-2016, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng tại các quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Vẫn theo ông Ngô Quyết Thắng, Trưởng phòng Tổng hợp thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ khi triển khai quyết định này, lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp và toàn diện của chính quyền địa phương, hoàn toàn chủ động trong tổ chức và thực thi công vụ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng cho thấy, lực lượng thanh tra xây dựng trực tiếp do quận, huyện, thị xã điều hành, chỉ đạo đã tích cực chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và tham mưu cho chính quyền các cấp ban hành quyết định xử lý, ý thức trách nhiệm, chất lượng cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả số công trình xây dựng vi phạm phát sinh mới trong năm 2017 giảm hơn 550 công trình và tỷ lệ giải quyết dứt điểm ngay là 82% công trình mới vi phạm được giải quyết xử lý ngay trong năm 2017 - là những con số "biết nói" về sự chuyển biến tích cực này.

Cần thiết phải thay đổi

Lực lượng liên ngành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Thái Hiền


Mới đây tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, Chính phủ đã thống nhất cho phép thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội. Nội dung thí điểm phải bảo đảm không trái với quy định của các luật liên quan; thời gian thực hiện trong 2 năm. Chính phủ giao thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội. Trong đó, cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác với Thanh tra Sở Xây dựng và cơ quan liên quan, bảo đảm không tăng biên chế; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình, việc đưa Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc sự quản lý của các quận, huyện là giải pháp tốt. Bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc quản lý trật tự xây dựng, phát hiện các vi phạm, lập biên bản xử lý thì do lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng tiến hành. Trong khi đó việc cưỡng chế, xử lý thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Điều này chưa thực sự phù hợp, vì theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, Chủ tịch UBND cấp phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Chính vì có hai cơ quan chủ quản khác nhau dẫn đến có một thời gian các công trình xây dựng vi phạm không được phát hiện kịp thời. Khi Đội quản lý trật tự xây dựng do quận quản lý thì quận sẽ điều hành trực tiếp cả về nhân sự và công việc; sẽ phân chia thành các tổ ở địa bàn và thuộc sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND phường. Điều này cũng phù hợp với cơ chế quản lý chịu trách nhiệm toàn diện, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng: Khi Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc quận, huyện sẽ rõ một đầu mối lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và việc phân định trách nhiệm sẽ rõ hơn. Thời gian vừa qua, thành phố cũng đã tạm thời chuyển Đội quản lý trật tự xây dựng về để các quận, huyện quản lý. Thực tế cho thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng đã sát sao, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ông Quân, việc tạm chuyển này vẫn có vướng mắc vì chính quyền địa phương không được quản lý về công tác cán bộ, mà vẫn do Sở Xây dựng quản lý. Với cách quản lý như vậy, việc đánh giá nhận xét cán bộ, khen thưởng, kỷ luật thì chính quyền địa phương phải đề xuất với Sở Xây dựng chứ không có quyền quyết định.

Rõ ràng, việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của UBND thành phố đã, đang phát huy hiệu quả tích cực theo hướng "một việc, một đầu mối xuyên suốt", "rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả". Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập nhất định nên việc hoàn thiện tổ chức, cơ cấu bộ máy, trách nhiệm, thẩm quyền, cách thức hoạt động... của lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn là hết sức quan trọng, là yêu cầu cấp thiết. Và để sớm hoàn thành việc này, rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành liên quan.

(HNM) - Chiều 21-11, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ ngày 31-10-2016 đến 31-10-2017, lực lượng thanh tra xây dựng đã kiểm tra 17.422 công trình, phát hiện 1.916 công trình vi phạm (chiếm 11%), trong đó không phép là 765 công trình (4,4%); sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế là 334 công trình (1,9%); ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường là 69 công trình (0,4%); xây dựng trên đất lấn chiếm, nông nghiệp, lâm nghiệp là 748 công trình (4,3%). Số công trình đã xử lý dứt điểm là 1.571 (chiếm 82%), 345 công trình (chiếm 18%) đang được UBND cấp xã, huyện tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. So với cùng kỳ, giảm 553 công trình vi phạm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một đầu mối, rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.