Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bom mìn sót lại sau chiến tranh: Nỗi lo còn đó!

Hiền Phương| 08/12/2017 06:57

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, trong những năm tháng chiến tranh, đã có khoảng 15,3 triệu tấn bom trút xuống nước ta...


Lực lượng công binh rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Ảnh: Quốc Phòng


Hậu quả nặng nề

Ước tính, số bom mìn chưa nổ còn sót lại khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu héc ta, chiếm 18,82% diện tích tự nhiên của cả nước.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng theo khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn người chết do tai nạn bom mìn. Trong đó, tai nạn do đùa nghịch và không hiểu biết của trẻ em, gây nổ chiếm 38%. Số vụ do người dân phát hiện bom mìn, vật nổ đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ chiếm 30%. Số vụ do cuốc, đập, giẫm... phải vật nổ gây ra chiếm 18%; nguyên nhân ngẫu nhiên chiếm 10%. Nạn nhân của tai nạn bom mìn chủ yếu là người trong độ tuổi lao động và trẻ em. Nạn nhân bom mìn dù may mắn thoát chết thì họ cũng trở thành người tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trên địa bàn Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn, vật nổ để lại hậu quả rất nặng nề. Đó là vào ngày 8-10-2012, tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) xảy ra vụ nổ bom bi làm một công nhân chết tại chỗ, hai công nhân bị thương. Cuối tháng 3-2016 xảy ra vụ nổ tại cơ sở thu mua sắt vụn ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) khiến 5 người chết, 10 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng nặng…

Bom, mìn, vật nổ nằm trong lòng đất không chỉ là mối hiểm nguy tiềm ẩn gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của người dân mà còn là rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, cho dù điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn.

Hằng năm, Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng triển khai các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nạn nhân và tái định cư ở vùng ô nhiễm bom, mìn. Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nhằm huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn. Đại tá Lê Xuân Cát, Chính ủy Binh chủng Công binh cho biết: “Do số lượng bom mìn còn sót lại lớn, nguồn lực bảo đảm cho thực hiện công tác này còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn kinh phí của Chính phủ cấp nên dự tính nước ta phải mất hàng trăm năm mới hồi sinh được hết những "vùng đất chết” này”.

Cần sự đồng hành từ nhiều phía

Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi đầu tư nguồn lực to lớn và hợp tác mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh sự hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, công tác này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân.

Trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội là địa phương có vị trí quan trọng nên phải hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ, trong giai đoạn 2010-2016, Tiểu đoàn Công binh 544 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) đã thu hồi và xử lý hơn 3 nghìn loại bom mìn, vật liệu nổ ngoài luồng; dò tìm, làm sạch hơn 170ha đất ô nhiễm bom mìn trên địa bàn thành phố thuộc 32 dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, năm 2012 bộ đội công binh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hoàn thành Dự án “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội.

Trong năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã thu hồi và xử lý an toàn 4 quả bom phá, 1 quả đạn pháo, 8 quả lựu đạn. Điển hình là vào chiều ngày 28-11 vừa qua, đơn vị cùng với lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh trục vớt và vận chuyển thành công quả bom nặng khoảng 1.350kg, lượng thuốc nổ chiếm 70% trọng lượng bom, do người dân phát hiện tại vị trí gần trụ P13 cầu Long Biên ra vị trí an toàn để phá hủy. Và trong các ngày 5, 6, 7-12, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn đã xử lý thành công quả tên lửa đất đối không, đường kính 32cm, trọng lượng khoảng 300kg, chiều dài 3m vẫn còn nguyên thuốc nổ, ngòi nổ, động cơ trên địa bàn xã Cần Kiệm (Thạch Thất).

Hiện nay, trong lòng đất hay ở dưới đáy kênh, ao đầm và các khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn còn sót lại nhiều loại bom, mìn, vật nổ nằm ở các độ sâu khác nhau chưa được tìm và xử lý. Những bom đạn này khi vô tình tác động vào, chúng vẫn có thể nổ, gây sát thương cho người, làm hư hỏng công trình. Do thời gian đã lâu, cùng với sự phát triển đô thị hóa, dấu vết bom đạn trên thực địa bị san lấp nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm, rà phá. Đại tá Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi bị tác động hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. Vì vậy, bất cứ người dân nào khi phát hiện bom mìn hãy báo ngay cho chính quyền địa phương, không được tự ý đào, khuân vác, di chuyển. Với trách nhiệm được giao, bộ đội công binh Thủ đô luôn có mặt để xử lý bất cứ lúc nào ngay khi nhận được tin báo”.

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh là một quá trình lâu dài, bền bỉ đòi hỏi phải có kế hoạch chặt chẽ, tỉ mỉ. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và nhất là sự hợp tác của người dân để giảm thiểu tai nạn, rủi ro do bom mìn gây ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bom mìn sót lại sau chiến tranh: Nỗi lo còn đó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.