Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chế tài xử phạt đủ mạnh

Hà Phong| 09/12/2017 07:05

(HNM) - Năm 2017, 53 văn phòng thừa phát lại trên cả nước có những bước phát triển mạnh, với tổng doanh thu hơn 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những hành vi, dấu hiệu sai phạm, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ hợp pháp của cá nhân, tổ chức và uy tín nghề nghiệp.

Đầu tháng 11-2017, Tư pháp TP Hồ Chí Minh kiểm tra hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại Gò Vấp liên quan đến việc lập vi bằng tặng cho quyền sử dụng đất tại phường Hiệp Thành, quận 12 đã phát hiện thừa phát lại Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng văn phòng) lập 2 vi bằng (văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác) nhưng không chứng kiến trực tiếp sự việc. Ngoài ra, một thừa phát lại khác là Đồng Quốc Tuấn (làm việc theo chế độ hợp đồng) cũng vi phạm về trình tự thủ tục khi lập 7 vi bằng. Cả hai thừa phát lại đều hiểu rõ giá trị pháp lý của vi bằng nhưng không giải thích rõ với khách hàng, gây ngộ nhận với văn bản công chứng, chứng thực.

Tại Hà Nội cũng có nhiều biểu hiện vi phạm trong hoạt động thừa phát lại. Điển hình là văn phòng thừa phát lại cộng tác với các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư và treo biển, tiếp nhận, thụ lý hồ sơ tại các địa điểm của tổ chức hành nghề công chứng hoặc luật sư mà văn phòng thừa phát lại cộng tác hoặc mở các địa điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu lập vi bằng không đúng trụ sở đã đăng ký hoạt động.

Ngoài ra đã phát hiện trường hợp thừa phát lại lập vi bằng bán nhà đất khi không đủ điều kiện công chứng, thậm chí giải thích cho người dân là có thể mua bán qua việc lập vi bằng. Cũng có những giao dịch nhà đất trị giá thực tế vài chục tỷ đồng, nhưng lại được "lách" bằng cách lập vi bằng giao nhận tài sản theo bảng giá mà địa phương quy định... Những hành vi, dấu hiệu sai phạm từ quá trình hành nghề thừa phát lại xuất hiện ngày càng nhiều trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định về xử lý vi phạm.

Ở chiều ngược lại, quy định của pháp luật cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên pháp luật không quy định cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, dẫn đến thừa phát lại gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, tòa án, viện kiểm sát có thể triệu tập thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về hồ sơ, thủ tục thừa phát lại và các vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại cũng như chế tài xử lý vi phạm, mức phạt tương ứng.

Thực tế hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại gồm nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Trong đó, nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của thừa phát lại được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ. Vì vậy, quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc về áp dụng pháp luật, đặc biệt khi có xung đột với các quy định pháp luật có liên quan.

Để bảo đảm hành lang pháp lý lâu dài và bền vững cho hoạt động thừa phát lại và công tác giám sát, cần thiết xây dựng, ban hành luật về thừa phát lại, chứ không nên dừng lại ở mức nghị định, văn bản hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài xử phạt đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.