Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Có giảm được ùn tắc?

Hà Phạm| 05/01/2018 06:46

(HNM) - Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện đề án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông.


Luật không có phí ùn tắc giao thông

Theo Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) - đơn vị được UBND TP Hồ Chí Minh giao đề xuất nghiên cứu dự án từ năm 2010, đề án có mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên trục đường chính khu vực nội đô, giảm lượng xe ô tô cá nhân lưu thông khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng... ITD dự kiến sẽ lập vành đai các tuyến đường (tại các quận 1, 3, 5, 10) khu vực trung tâm diện tích 930ha, với 36 cổng thu phí và 1 trung tâm điều hành. Thời gian thu phí dự kiến từ 6h sáng đến 19h tối hằng ngày, mức thu từ 30.000 đến 50.000 đồng/lượt (tùy loại phương tiện).

Khu vực vành đai trung tâm TP Hồ Chí Minh thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm.


ITD sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số, thay vì sử dụng thiết bị OBU (thiết bị thu phí cầu đường tự động) như lần trước. Công nghệ này bảo đảm khả năng thu phí đa làn không dừng, với công suất 1.800 ô tô/giờ/làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao). ITD dự kiến năm 2018 hoàn tất nghiên cứu khả thi, năm 2019 vận hành thử và chính thức áp dụng năm 2020, thực hiện trong 15 năm (đến 2035).

Cho rằng đề án thiếu tính thuyết phục, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố không nên thu phí xe ô tô vào trung tâm, bởi đó không phải giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc, trái lại sẽ khiến cho nhiều khu vực lân cận trung tâm ùn tắc thường xuyên. Mặt khác, theo luật sư Trương Thị Hòa, dự thảo đề án chưa có đủ cơ sở pháp lý vì luật pháp quy định chỉ có 3 loại phí, trong đó, không có phí chống ùn tắc giao thông. Do đó, không thể tách riêng thu phí chống ùn tắc mà phải xem phí này nằm trong phí sử dụng đường bộ, tránh trường hợp người dân vừa đóng phí sử dụng đường bộ, vừa đóng phí giảm ùn tắc giao thông, dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”, gây áp lực cho người dân.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề án thu phí chỉ dự án giả định, các thông số đưa ra mang tính dự báo mà chưa có điều tra xã hội học thực tế nên tính khả thi không có. Vì vậy, nếu muốn giải quyết ùn tắc giao thông thì thành phố phải đầu tư bài bản, quy hoạch chi tiết, khoa học và có các giải pháp đồng bộ.

Còn nhiều bất cập

Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đánh giá, nguyên nhân lớn nhất gây ùn tắc là ý thức người tham gia giao thông, do đó, đề án cần xác định lại mục tiêu. Mục đích chính là giảm ùn tắc giao thông chứ không phải thu phí để tăng nguồn thu. Mặt khác, nếu đơn vị đề xuất khẳng định ùn tắc khu trung tâm thì cũng phải đưa ra được con số cụ thể chứng minh hiện trạng giao thông vành đai trung tâm như lượng xe đi vào là bao nhiêu, thời gian cao điểm xe đi vào trung tâm, các loại xe ô tô nào? Do đó, đề án này vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh khó khả thi. Vì trong trường hợp người dân không vào khu trung tâm, phải chạy lòng vòng trên các tuyến đường vành đai, dẫn đến nguy cơ ùn tắc chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Mặt khác, đơn vị đề xuất cũng chỉ nói giảm kẹt xe trên lý thuyết chứ không thể khẳng định chắc chắn. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, phương tiện công cộng khối lượng lớn, hiện đại chưa hình thành, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng kỳ vọng..., nếu chỉ đưa ra giải pháp đơn lẻ, nặng tính công nghệ như trên sẽ không hiệu quả. Chưa kể, đề án chưa làm rõ những thông số cơ bản về đặc điểm giao thông đô thị như: Nhu cầu, số lượng thực tế người dân và phương tiện ra, vào khu vực trung tâm ở các khung giờ khác nhau; tỷ lệ người dân đi phương tiện vận tải công cộng; đặc điểm giao thông từng tuyến đường ở khu trung tâm…

Về phía cơ quan chức năng, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67 - Công an TP Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn trong việc đặt các cổng thu phí tại các tuyến đường trục chính dẫn vào thành phố. Bên cạnh đó, nếu đơn vị đề xuất đặt gần các trạm thu phí BOT, dễ gây hiểu nhầm cho người dân. Chưa kể, việc bố trí các bãi đậu xe tại vành đai cổng thu phí để người dân gửi xe và di chuyển bằng phương tiện công cộng vào trung tâm cũng không phải dễ dàng.

Liên quan đến đề án này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố chưa chắc đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, kẹt xe, nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố. Vì vậy, thành phố cần đánh giá tổng thể các nguyên nhân ùn tắc, kẹt xe để tìm ra giải pháp phù hợp, chứ không thể chắc chắn rằng việc thu phí sẽ đạt được mục tiêu trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Có giảm được ùn tắc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.