Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết đủ đầy cho người lao động

Hiền Hương| 24/01/2018 07:05

(HNM) - Để người lao động được đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tươm tất, đủ đầy, đa số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận thưởng Tết.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất tăng 5,5%-8% sẽ giúp người lao động đón Tết vui vẻ, đầy đủ hơn. Ảnh: Nhật Nam


"Nóng" chuyện lương, thưởng Tết

Năm nào cũng vậy, chuyện lương, thưởng Tết “nóng” từ các diễn đàn cho đến ngoài đời thực từ trước Tết Dương lịch đến sau Tết Nguyên đán. Nhờ sự tăng trưởng kinh tế - xã hội vượt bậc trong năm 2017, mức lương, thưởng Tết cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cũng tăng hơn so với năm trước.

Căn cứ vào báo cáo của hơn 4.000 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH) đã công bố mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Theo đó, thưởng Tết cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức bình quân là 4.600.000 đồng/người (doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 325.000.000 đồng/ người và thấp nhất là 700.000 đồng/người). Tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết bình quân là 3.700.000 đồng/người (thưởng cao nhất là 50.850.000 đồng/người và mức thấp nhất là 800.000 đồng/người). Đối với công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước, thưởng Tết bình quân là 3.850.000 đồng/ người (thưởng cao nhất là 30.000.000 đồng/người và thấp nhất là 600.000 đồng/người).

Khối doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết bình quân 3.950.000 đồng/người (thưởng cao nhất là 60.000.000 đồng/người và thấp nhất là 650.000 đồng/người).

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2017, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội trả lương bình quân cho người lao động tăng từ 7% đến 9% so với năm 2016 và mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng tăng khoảng 5,5% đến 8% so với những năm trước đó. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, mức thưởng Tết khoảng 500.000 đồng tại các doanh nghiệp dành cho công nhân mới vào làm việc, chưa đủ 12 tháng. Đa số người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên nhận được mức thưởng Tết cao hơn mọi năm. Đến thời điểm này, ở Hà Nội chưa có doanh nghiệp nào nợ lương, thưởng Tết hoặc xảy ra ngừng việc tập thể liên quan đến lương, thưởng Tết.

Đáng mừng hơn, một số đơn vị, doanh nghiệp đã trả lương, thưởng Tết cho người lao động rất sớm. “Chúng tôi đã nhận được tiền thưởng bằng tháng lương thứ 13. Cá nhân tôi được hơn 7.000.000 đồng, nhiều hơn năm trước 400.000 đồng. Cận Tết, chúng tôi còn được doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tặng quà” - chị Bùi Thanh Huyền, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) phấn khởi cho biết.

So với các tỉnh, thành phố khác, lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không đạt con số “khủng”, nhưng có mức trung bình tương đối cao và đồng đều. Hiện tại, thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp trong nước tại TP Hồ Chí Minh với mức trung bình là 8.300.000 đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017 (người được nhận mức thưởng cao nhất là 855.000.000 đồng). “Trên phạm vi cả nước, mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất cao hơn so với năm 2017” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Thưởng sao cho hợp lý

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng người lao động sẽ đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đủ đầy. Ảnh: Nhật Nam


Lương, thưởng Tết là khoản chi trả tương đối đặc thù trong quan hệ lao động tại Việt Nam. Bất kỳ người làm công ăn lương nào cũng mong muốn được thưởng dịp Tết đến, Xuân về. Báo cáo “Khảo sát tổng kết về phúc lợi và thưởng Tết năm 2017” do trang web việc làm VietnamWorks vừa công bố cho thấy, người lao động rất coi trọng thưởng Tết. Điều này ảnh hưởng lớn tới tâm lý làm việc cũng như sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. Hơn 25% người lao động được khảo sát cho biết, nếu doanh nghiệp không thưởng Tết thì họ sẽ nghỉ việc; hơn 40% cho biết họ sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị doanh nghiệp về thưởng Tết. Doanh nghiệp thấu hiểu tầm quan trọng của thưởng Tết, nên hơn 80% doanh nghiệp thực hiện thưởng Tết cho người lao động, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, kết quả khảo sát này đã phần nào lý giải vì sao trong năm 2017, tính chung trên cả nước xảy ra 314 cuộc đình công, ngừng việc tập thể có phần nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thưởng Tết. Một số cuộc đình công xảy ra trong tháng 1 năm 2018 cũng liên quan đến lương, thưởng Tết.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần tính toán lại phương pháp thưởng Tết và thời gian thưởng Tết, tránh để người lao động so sánh, bức xúc dẫn đến đình công. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, mức thưởng Tết “khủng” chỉ rơi vào một số cá nhân có thành tích nổi bật và doanh nghiệp công bố con số này nhằm quảng bá uy tín, thương hiệu, còn mức thưởng Tết trung bình chỉ vài triệu đồng. “Thưởng Tết thực chất là mức lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm chia cho công nhân, chứ không phải phần lợi nhuận trong thời điểm Tết. Doanh nghiệp cần giải thích rõ điều này để người lao động thấu hiểu, chia sẻ. Thay vì thưởng vào thời điểm Tết, tiền thưởng nên được chia đều trong năm. Cách làm này vừa giảm áp lực cho ngân hàng, vừa giảm bức xúc của người lao động” - ông Vũ Quang Thọ chia sẻ.

Dù có những quan điểm, những ý kiến khác nhau xung quanh chuyện lương, thưởng Tết, song thực tế cho thấy, các cấp, ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp luôn nỗ lực, cố gắng để người lao động có Tết ấm áp, sum vầy. Ngoài tiền lương, thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn yêu cầu các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, người sử dụng lao động chăm lo Tết cho công nhân, viên chức, lao động; hỗ trợ tàu, xe đưa công nhân về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón Giao thừa, mừng Đảng, mừng Xuân cho lao động… Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Công đoàn nắm tình hình đời sống công nhân, có biện pháp hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Nằm trong chuỗi các hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ thực hiện chương trình “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”... Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội, chắc chắn người lao động sẽ đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất sum vầy, đủ đầy hơn những năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết đủ đầy cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.