Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác giải phóng mặt bằng: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Ánh Dương - Hữu Hoài| 06/02/2018 07:01

(HNM) - Hoạt động giải phóng mặt bằng vẫn còn hạn chế dẫn đến có nhiều dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm, phát sinh hệ lụy...


Hoàn thành giải phóng mặt bằng giúp dự án thi công đường An Tiến - Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) về đích đúng hẹn. Ảnh: Anh Tuấn


Bài 1: Chậm tiến độ, phát sinh hệ lụy

Theo sự ủy quyền, phân cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, thời gian qua, UBND các quận, huyện, thị xã vào cuộc quyết liệt và việc này đã có chuyển biến mạnh, đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn hạn chế dẫn đến có nhiều dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm, phát sinh hệ lụy...

Bộn bề vướng mắc

Năm 2017, toàn thành phố triển khai 1.727 dự án, thu hồi đất với diện tích 7.258ha, liên quan đến 87.311 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng (tính đến ngày 29-12-2017): Đã phê duyệt 32.175 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ 14.268 tỷ đồng; đã chi trả 12.144 tỷ đồng cho 27.588 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; nhận bàn giao mặt bằng 1.058ha đất tại 326 dự án. Về vấn đề này, Báo Hànộimới đã đăng tải nhiều tin, bài phản ánh thể hiện rõ những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này ở nhiều địa phương không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Kiều Văn Tài, ngoài kiến nghị về giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, có trường hợp người dân còn tỏ thái độ bất hợp tác trong bàn giao mặt bằng, dù đã có quyết định thu hồi đất. Một số hộ dân cố tình không nhận tiền bồi thường, nhất là với những gia đình, cá nhân, tổ chức có nguồn gốc đất chưa rõ ràng. Đơn cử, Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích thực hiện từ năm 2011 trên địa bàn 9 xã ở huyện Ba Vì, đã giải phóng mặt bằng gần 180,4ha; còn khoảng 50ha chưa thực hiện, liên quan đến 17 gia đình, cá nhân. Nguyên nhân do trước đây, một số hộ tự chia tách, gộp thửa, chuyển nhượng không đúng quy định, dẫn đến sai lệch hiện trạng và hồ sơ sử dụng đất về vị trí, diện tích các thửa đất; hoặc sai lệch về họ, tên chủ sử dụng; chênh lệch diện tích giữa bản đồ giải thửa và sổ mục kê... Ngoài ra, hiện trạng sử dụng đất dọc sông Tích phức tạp, nhiều diện tích người dân sử dụng ngoài sổ sách cũng gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc và chủ sử dụng đất...

Cá biệt, có tình trạng, dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng vẫn "nằm im" gần chục năm mà chưa thể thi công công trình. Ví như, tại địa bàn xã Thanh Lâm (Mê Linh), Dự án biệt thự nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga, được triển khai từ năm 2007, trên tổng diện tích 97.952m2. Chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án. Sau thời gian tạm dừng triển khai dự án để rà soát theo yêu cầu của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, cuối năm 2009, chủ đầu tư được phép tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư thi công công trình (tháng 3-2010), hàng chục hộ dân thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm tới ngăn cản, với lý do “chưa được giao đất dịch vụ thì không giao mặt bằng”...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mê Linh còn nhiều dự án khác như: Trung tâm đào tạo và phát triển thể dục thể thao (diện tích 60.000m2 tại xã Thanh Lâm), Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong (diện tích 419.312,5m2 tại xã Tiền Phong)… đều trong tình trạng dở dang từ năm 2007-2008, đến nay vẫn không thể thi công do người dân ngăn cản, đòi hỏi phải được nhận đất dịch vụ mới bàn giao mặt bằng cho dự án...

Chậm triển khai mỗi dự án một kiểu


San gạt mặt bằng tại địa bàn xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) để phục vụ Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng.


Hướng về khu đất đảo 73 bị bỏ hoang gần chục năm nay của xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì), ông Lê Quang Sơn - một người dân sinh sống tại đây, cho biết: "Trước đây tôi đại diện 9 hộ gia đình nhận khoán theo Nghị định 01/CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ về việc "Giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong doanh nghiệp nhà nước". Trên diện tích đất được giao, chúng tôi trồng gần 19.000 cây vải, nhãn, trám... Năm 2009, xã Cẩm Lĩnh thực hiện kiểm đếm để triển khai Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, thuộc Khu du lịch hồ Suối Hai (huyện Ba Vì). Phương án bồi thường được niêm yết công khai, 53 hộ dân đều đồng thuận. Nhưng đến nay đã 9 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể thực hiện". Trong khi đất nằm trong quy hoạch dự án không được thay đổi hiện trạng, không được tiếp tục sản xuất, nhưng ông Sơn vẫn phải nộp sản lượng 1,5 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, mỗi năm phải nộp 30 triệu đồng cho 20ha đất trống...

"Nguyện vọng chung của người dân xã Cẩm Lĩnh là mong muốn dự án được thực hiện. Nếu không tiếp tục triển khai dự án, cần đưa đất vào sản xuất để bà con được canh tác, ổn định cuộc sống" - ông Sơn nhấn mạnh.

Không riêng huyện Ba Vì, một số dự án ở các địa phương khác tiến độ giải phóng mặt bằng cũng chậm so với chỉ đạo của thành phố. Chẳng hạn, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện từ Km2+700,2 đến Km4+700,2 (thị xã Sơn Tây), thời gian thực hiện từ năm 2011, kết thúc năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 247 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn đang dở dang, tạo nút “thắt cổ chai”. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết: Thị xã đã phê duyệt phương án bồi thường cho 417 hộ, đã có 405 hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng, còn 12 hộ chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, 500m đường còn lại có mặt bằng trong tình trạng "lỗ chỗ", không thể thi công.

Tương tự, dự án khu đất đối ứng đường Hà Nội - Hưng Yên, thực hiện trên diện tích 63ha, thuộc địa bàn xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), dù hồ sơ dự án đã xong, nhưng chủ đầu tư chưa thống nhất được với UBND thành phố về tỷ lệ phân chia quỹ đất trong tổng số 63ha. Do đó, đến nay ngân hàng chưa bảo lãnh vốn để chủ đầu tư giải ngân nên chưa có tiền bồi thường, khiến các hộ bị thu hồi đất phản ứng gay gắt...


Hiện, toàn thành phố đang thực hiện 52 công trình trọng điểm, trong đó có 39 công trình liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, phải thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Thời điểm này, mới có 15 công trình đủ thủ tục và đang triển khai; 24 công trình phải triển khai, nhưng còn ở giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý...


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giải phóng mặt bằng: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.