Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoại thành căng tràn sức xuân

Minh Phú| 15/02/2018 19:14

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới lại đồng hành cùng Đoàn công tác “chấm điểm” nông thôn mới TP Hà Nội về khắp nẻo quê.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì.Ảnh: Bá hoạt


“Mùa ngọt”


Khi cái Tết đã đuổi sau lưng, các mẹ, các chị lại tất bật ra chợ. Cái náo nhiệt bán mua ở các chợ quê cho thấy đời sống bà con khấm khá. Chợ Nhông (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) là một nơi như thế. Chợ quê nơi đây có hàng trăm mặt hàng... Giờ này, gia đình anh Chu Văn Phượng (ở thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn) đã sắm sanh tươm tất. Anh Phượng cho hay, Tết này quê anh vui hơn. Xã vừa được đánh giá đủ tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Đường sá giờ đã khang trang hơn trước rất nhiều, nhà văn hóa thì thôn nào cũng có. Trạm y tế, trường học được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí...

Làng quê không chỉ đẹp hơn về diện mạo... Bí thư Chi bộ thôn Phú An, xã Thái Hòa (cách Phú Sơn không xa) Chu Văn Chờ tuy đã bước vào tuổi “cổ lai hy” nhưng giọng nói vẫn sang sảng: Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở nhà cửa của người dân đàng hoàng hơn mà còn là xây dựng những con người mới, tư duy mới, nếp sống mới. Nhờ phong trào này mà người dân thêm đoàn kết, chung sức tham gia việc của làng, của xóm. Nông thôn mới đã làm người dân xích lại gần nhau hơn. Ông Chu Văn Chờ cười vui: “Đó mới là yếu tố quyết định tính bền vững của nông thôn. Không có con người mới thì không thể là nông thôn mới”...

Từ Ba Vì đến xã Đông Yên huyện Quốc Oai, quốc lộ 21A rẽ về trung tâm xã Đông Yên đẹp như tranh vẽ. Khắp ngả đường, ngay cả những tuyến chính giao thông nội đồng đều được bê tông hóa. 4h chiều, sân bóng chuyền hơi của thôn Việt Yên (xã Đông Yên) tấp nập. Đã thành truyền thống, nhiều năm nay, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của vùng quê này vô cùng sôi động. Bà Kiều Thị Xuyên, gần 60 tuổi, ở thôn Việt Yên, cho hay: Ở thôn, thanh niên đá bóng, cụ già tập dưỡng sinh. Người trung tuổi, cao tuổi hơn chút thì chơi bóng chuyền.

“Chúng tôi chơi bóng từ 4h chiều đến khi trời tối thì thôi. Hôm nào tôi cũng ra sân làm 2 séc bóng. Bận không đi được thì chân tay bủn rủn, chỉ khi chơi bóng, người mới khỏe ra” - bà Xuyên vui vẻ cho biết. Được biết, phong trào bóng chuyền ở Việt Yên có khoảng 5 năm nay, hiện cả thôn đã có 2 sân bóng với 50 người tham gia câu lạc bộ. Dịp lễ, Tết, các cuộc thi đấu từ cấp thôn tới cấp huyện rất sôi nổi...

"Mùa ngọt" từ Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang hiện hữu ở nhiều làng quê. Toàn thành phố đã có 4 huyện, 255 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội đã thẩm định 45 xã/14 huyện, thị xã, trong đó có 39 xã đủ điều kiện, trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đặt ra (22 xã).

Lấy sức dân chăm lo cho dân

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Lê Thiết Cương, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (2010), toàn thành phố có 401 xã. Đầu năm 2014, khi 15 xã của huyện Từ Liêm cũ chuyển thành các phường, Hà Nội còn 386 xã (chiếm 80% diện tích và 60% dân số của Thủ đô). Với số xã như vậy, có thể khẳng định, chưa có đô thị nào có số xã nhiều như Hà Nội (TP Hồ Chí Minh chỉ có 58 xã) - đó là thách thức lớn cho địa phương khi triển khai xây dựng nông thôn mới.

Cũng bởi những đặc thù riêng đó nên quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội gặp nhiều khó khăn: Mức sống của người dân khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn, một số huyện còn chưa lập quy hoạch chung và đa phần các xã đều trong tình trạng “trắng quy hoạch”; diện tích sản xuất nông nghiệp rộng lớn nhưng lại manh mún, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa vững chắc…

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, căn cơ, có sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cả về chính sách và kinh phí. Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo đúng quy hoạch, có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên tùy điều kiện từng địa phương. TP Hà Nội đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Đồng hành là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.

Đến hết năm 2017, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020 là hơn 17,11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.556 tỷ đồng là đóng góp của nhân dân, hợp tác xã và doanh nghiệp… Hơn 6 năm Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới, khu vực ngoại thành đã có những đổi thay rõ nét. Luồng sinh khí mới đã đến từng ngôi nhà, ngõ xóm, trên những cánh đồng. Khoảng thời gian không dài nhưng đủ để chứng minh sự khoa học, bài bản, đồng bộ về giải pháp của thành phố, qua đó tạo dựng diện mạo mới cho khu vực nông thôn Hà Nội.

Đến nay, toàn thành phố có 105 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 71 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn từng bước được nâng cấp và hoàn thiện. Nông thôn đã khoác lên mình tấm áo mới với những mái nhà kiên cố, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Thành công của năm 2017 đã tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội đạt kết quả cao hơn trong thực hiện Chương trình 02 thời gian tới.

Triển khai những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2018, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của thành phố, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, các xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản... Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt từ 2,0 đến 2,5%.

Mục tiêu năm 2018, thành phố có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 320 xã; có thêm 4 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số là 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của nông dân đạt 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới là 2,11%...

Từ những kết quả đã đạt được, từ nỗ lực và cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, bức tranh ngoại thành Hà Nội đang rạng rỡ nhiều điểm sáng. Trên mọi nẻo đường thôn quê, chồi non mùa xuân dường như đang cựa mình thức giấc và mang đến ăm ắp những dự cảm, kỳ vọng tốt đẹp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại thành căng tràn sức xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.