Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường XKLĐ trọng điểm của Việt Nam năm 2018 tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản

Theo Baotintuc| 18/02/2018 09:56

Điểm sáng trong mảng lao động năm qua là hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) vượt 28,3% kế hoạch. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản vẫn là trọng điểm xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2018.

Các thị trường có nhu cầu tiếp nhận ổn định

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), năm 2017, Việt Nam đã đưa được 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%) đi xuất khẩu lao động; vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Lao động được tập huấn trước khi đi làm tại Nhật.


Trong đó, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100.000 người (nhiều nhất trong 15 nước có thực tập sinh tại Nhật Bản).

Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), tổng số lao động đi làm việc đạt gần 67.000 lao động (trong đó, có 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm. Tính đến hết năm 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) hơn 206.000 người, đứng sau Indonesia, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87%, dịch vụ xã hội chiếm 13%.

Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có hơn 5.100 lao động, trong đó có 3.023 lao động EPS, 1.975 lao động thuyền viên gần bờ, xa bờ, lao động kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS và lộ trình giảm lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, ngư nghiệp và nông nghiệp theo Chương trình EPS năm 2017 cho 18.140 người lao động. Kết quả trúng tuyển đạt tỷ lệ khá cao với 75% trong số 647 người dự thi.

Bên cạnh đó, năm 2017, một số thị trường khác vẫn thu hút lao động như: Ả rập Xê út đưa đươc 3.626 lao động, Malaysia 1.551 người, còn lại là các thị trường khác trên 3.000 lao động.

Tiếp tục chấn chỉnh công tác xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ cấp mới cho 44 doanh nghiệp, cấp đổi cho 20 doanh nghiệp và hướng dẫn 1 doanh nghiệp nộp lại giấy phép. Tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 315 doanh nghiệp, tăng 40% so với năm 2016. Cùng với việc trình cấp phép, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp tiến hành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, trực tiếp thanh tra định kỳ tại 27 doanh nghiệp và kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra kiểm tra, Cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 16 doanh nghiệp với số tiền 2,6 tỷ đồng, thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp, đình chỉ từ 6-9 tháng đối với 3 doanh nghiệp.

Phấn đấu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Năm qua, một số thị trường Châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, quan tâm đầu tư bài bản trong công tác đào tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề, ngoại ngữ trước khi xuất cảnh cũng như tác phong kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thự tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản; Tập trung chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước), năm 2018, Cục đề ra mục tiêu phấn đấu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó, lao động nữ chiếm 40%) trong năm 2018, trong đó giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản. Đồng thời, Cục hướng tới nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài vừa đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh, trong đó phối hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp yêu cầu, năm 2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Công tác thanh tra chuyên ngành cần có đổi mới; Đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước; Công tác thông tin tuyên truyền cần đổi mới.

“Đối với thị trường XKLĐ trọng điểm Nhật Bản, hiện nay Nhật Bản cũng đã mở thêm các ngành nghề mới như trợ lí điều dưỡng. Bộ cũng đã đàm phán với phía Nhật Bản, yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ chi phí, tiền lương của các thực tập sinh sang Nhật, mức lương cũng bằng hoặc cao hơn trợ lý điều dưỡng của Nhật và sẽ có thêm chi phí xa nhà. Về phía Nhật, họ yêu cầu trình độ tiếng Nhật của ứng viên từ N4, trong 1 năm làm việc, trình độ này phải tăng lên N3, nếu không đạt sẽ bị trả về nước”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường XKLĐ trọng điểm của Việt Nam năm 2018 tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.