Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá nhiều hệ lụy!

Khánh Vũ| 26/02/2018 06:27

(HNM) - Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) lên tiếng cảnh báo trước tình trạng người lao động cầm cố sổ BHXH cùng các hệ lụy kèm theo.

Ảnh minh họa


Theo BHXH Việt Nam, thời gian gần đây, tại một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới. Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Khi người lao động tự giữ sổ BHXH thì sẽ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp BHXH cho mình hay không, tránh trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ tiền BHXH cho người lao động.

Về phía mình, người lao động tự bảo quản sổ BHXH cũng biết diễn biến quá trình đóng BHXH với các thông tin: Chức danh công việc, cấp bậc, chức vụ, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH, tỷ lệ đóng BHXH… Khi phát hiện thông tin không chính xác, người lao động sẽ kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ sở, cơ quan BHXH để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

BHXH Việt Nam cho biết, những người cầm cố sổ BHXH tại ngân hàng, hiệu cầm đồ, không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH. Trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ.

Với trường hợp đã được cấp lại với lý do mất sổ và đã đem sổ mới cấp đi giải quyết chế độ lĩnh BHXH một lần, người lao động không thể đem sổ nhận thế chấp đi lĩnh chế độ BHXH trùng một lần nữa. Cá nhân hay đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH cũng không thể dùng sổ BHXH đó để lĩnh hộ lương hưu hay lĩnh BHXH một lần.

Trước ý kiến cho rằng hiện chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người lao động có thể mang sổ BHXH đi giao dịch, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu khẳng định: Sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu thì mới được giải quyết chính sách.

Ngân hàng nhận sổ cũng phải tìm hiểu chính sách pháp luật liên quan về việc sổ BHXH có giá trị với ngân hàng hay không? Khi cơ quan BHXH không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro. “Quan điểm của tôi là việc cầm cố sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người lao động tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó, thân nhân của người đó mới được hưởng quyền lợi liên quan hoặc trong một số trường hợp là người được ủy quyền nhận thay.

Do việc hưởng chế độ BHXH mang tính đặc thù, gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu ngân hàng không được người lao động ủy quyền theo luật định thì cơ quan BHXH không thể chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động cho ngân hàng.

Trước khi có những quy định pháp lý liên quan tới việc cầm cố sổ BHXH, ông Trần Đình Liệu đã khuyến cáo: Người lao động không nên cầm cố sổ BHXH để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá nhiều hệ lụy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.