Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tuổi nghỉ hưu: Vẫn nhiều tranh cãi

Linh Chi| 28/02/2018 06:59

(HNM) - Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án, từ ngày 1-1-2021 bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ từ 55 lên 60, nam từ 60 lên 62. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đòi hỏi cơ quan soạn thảo cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp từng đối tượng.


Khó với người lao động chân tay, nặng nhọc

Theo số liệu khảo sát thực tế, tuổi nghỉ hưu trung bình của nhóm lao động trực tiếp chỉ đạt 52,6 tuổi đối với lao động nữ, 55,6 tuổi đối với lao động nam, thấp hơn mức tuổi pháp luật quy định. Trong đó, lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù, như: Công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non, dệt may, da giày, chế biến thủy sản… thường chọn nghỉ hưu sớm.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu, đề xuất quy định linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.
Ảnh: Nhật Nam



Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý với những người làm trong ngành nghề lao động chân tay. Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét, đánh giá cho phù hợp với nhiều đối tượng ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu ở khu vực lao động gián tiếp, cơ quan hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp thì không nên. Các nước tăng tuổi hưu vì sức khỏe người lao động tốt, môi trường làm việc được tự động hóa trong khi công nhân Việt Nam chủ yếu làm chân tay, cơ bắp. Thậm chí, ở tuổi 33-35, người lao động trong khu vực dệt may, da giày, thủy sản đã bị chủ tìm cách sa thải vì sức khỏe giảm sút. Trong khu vực sự nghiệp cũng có một số ngành nghề khó tăng tuổi nghỉ hưu. Giáo viên mầm non 60 tuổi khó có thể bế trẻ, dạy múa được. Điều dưỡng, y tá cũng khó có thể làm việc tới tuổi 60.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chị Lê Thị Đông (công nhân Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất hàng may mặc Việt Huy, huyện Thường Tín) cảm thấy lo lắng. Với đặc thù của ngành may, rất ít lao động nữ làm việc đến ngoài 50 tuổi vì không chịu được áp lực công việc, bệnh nghề nghiệp. Việc kéo dài tuổi hưu là không thể. Còn anh Trần Đức Trụ (35 tuổi, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam) cũng cho rằng, 60 tuổi thì lao động nam như anh không thể trụ được với việc làm ca 3 hoặc tăng ca tới 12 tiếng/ngày theo dây chuyền. Anh Trụ cùng các công nhân ngành điện tử, dệt may, da giày, thủy sản… rất mong có sự linh hoạt trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Nguyện vọng này cũng được thể hiện ở kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trên cả nước, với 90% người lao động trong khu công nghiệp, lao động phổ thông được hỏi đều trả lời, không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Phần lớn ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu thuộc bộ phận lao động ở các cơ quan nhà nước, lĩnh vực nghiên cứu.

Cần lộ trình phù hợp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Thị trường lao động Việt Nam hiện chưa đủ tăng trưởng để hấp thụ số lao động sẵn có. Điều đó thể hiện ở số liệu cả nước có gần 1,1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó nhóm có trình độ đại học trở lên là 237.000 người và khoảng 80.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, 30.000 học sinh học xong nghề nhưng chưa có việc làm. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì số thanh niên chưa có việc làm sẽ phải chờ rất lâu mới có việc…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tăng tuổi nghỉ hưu phải bảo đảm quyền nghỉ hưu của người lao động. Người có sức khỏe yếu, suy giảm khả năng lao động, làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại, trong một số ngành nghề đặc biệt phải được nghỉ hưu sớm hơn... Cần có chính sách cho phép người lao động có thể tiếp tục làm việc hoặc nghỉ hưu sớm, đặc biệt với công nhân, lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Đồng thời, cần có thêm chính sách khuyến khích những lao động tiếp tục làm việc và tăng mức giảm trừ với người nghỉ hưu sớm, thay vì chỉ giảm trừ 2% mức hưởng mỗi năm nghỉ hưu sớm như hiện nay.

Bên cạnh đó, khu vực nhà nước sẽ phải có nhiều thay đổi bởi nếu không có một cơ chế đánh giá năng lực cán bộ tốt, tăng tuổi nghỉ hưu có thể gia tăng gánh nặng. Cụ thể, tiền lương và các khoản chi khác (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo…) sẽ tăng theo thời gian lao động, trong khi năng suất lao động giảm, do một bộ phận cán bộ có năng lực thấp, sức khỏe yếu, sức ỳ lớn vẫn tiếp tục ở lại trong hệ thống. Hơn nữa, tăng tuổi nghỉ hưu dễ dẫn tới tình trạng thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ năng động, sáng tạo…

Tuy nhiên, lý do quan trọng dẫn đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là vì, nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay sẽ dẫn tới mất cân đối quỹ hưu trí. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2034, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ chi hết và Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Cùng với đó, với tuổi nghỉ hưu hiện nay, phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới về thu nhập, thăng tiến và tham gia các vị trí lãnh đạo. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, đề xuất quy định về tăng tuổi nghỉ hưu linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tuổi nghỉ hưu: Vẫn nhiều tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.