Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lá phổi" thêm xanh

Thanh Hà| 17/03/2018 06:43

(HNM) - Cùng với cây xanh, hệ thống hồ nước ở Hà Nội cũng được coi là “lá phổi xanh” trong lòng thành phố. Để bảo đảm và duy trì môi trường nước trong sạch, hơn một năm qua thành phố và Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã cải tạo và duy trì chất lượng nước bằng chế phẩm Redoxy-3C và bước đầu cho kết quả phù hợp.


Công nghệ xử lý phù hợp

Theo bà Nguyễn Minh Hiền, Phó Đội trưởng Đội Quản lý và duy trì hồ (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội), sau một năm xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ trên địa bàn thành phố bằng chế phẩm Redoxy-3C cho thấy, các thông số quan trắc đều được duy trì ổn định trong ngưỡng tối đa cho phép của tiêu chuẩn nước mặt. Các hồ nội thành nếu trước đây nước có màu đen, hoặc xanh đậm, có mùi hôi thối, thì sau khi xử lý đã không còn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ. Đáng chú ý, công nghệ xử lý về cơ bản không ảnh hưởng đến một số thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh (tảo và động vật phù du).

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội rải chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).


Từ năm 2016, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C tại 3 hồ (Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu), sau đó nhân rộng ra các hồ khác. Cụ thể, có 86 hồ trong khu vực nội thành được dùng Redoxy-3C để làm sạch nước (2 hồ tạm dừng duy trì do đang thi công dự án). Trong đó, năm 2016 xử lý xong 67 hồ; năm 2017 xử lý 19 hồ. Công ty cũng đã làm sạch nước tại 7 hồ ngoại thành (năm 2016) và 37 hồ (năm 2017). Ngoài ra, Công ty còn đặt máy sục khí ở 30 hồ, thả bè thủy sinh ở 49 hồ và nạo vét bùn đáy 6 hồ...

Về kết quả xử lý nước các hồ, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, chế phẩm này được Công ty Wast Water (Đức) sản xuất để cải tạo nước ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Cuối tháng 9-2016, đội ngũ kỹ thuật của Công ty đã thử nghiệm pha chế phẩm này và thả vào đó 8 con cá, kết quả sau một tuần chỉ có 1 con cá chết. “Từ thử nghiệm đó và thực tế làm sạch nước hồ trong một năm qua cho thấy, việc lựa chọn Redoxy-3C là đúng đắn” - ông Hùng khẳng định.

Duy trì chất lượng nước

Trong quá trình cải tạo nước hồ, có một số vấn đề phát sinh, đó là hàm lượng chất hữu cơ sau xử lý theo thời gian có xu hướng tăng lên. Vì vậy, với các hồ đã xử lý ô nhiễm lần đầu mà chưa thực hiện duy trì xử lý (các hồ ngoại thành) sẽ dẫn đến tình trạng tái ô nhiễm. Nhiều hồ có hiệu quả xử lý tảo rất tốt như hồ Ba Mẫu, Eo Quán Gió (hồ Bảy Mẫu)..., nhưng cũng có những hồ sau xử lý tảo vẫn phát triển rất mạnh. Vì vậy, cần tiếp tục quan trắc để có những đánh giá, nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết hiện tượng này. Song song với việc làm sạch, cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật để duy trì chất lượng nước các hồ đã xử lý.

Về việc duy trì, xử lý cải tạo tại các hồ, Giáo sư Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, cho rằng Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu việc Redoxy-3C sau khi thả vào nước sẽ lắng xuống bùn ở đáy hồ (?). Khi lớp chế phẩm này tích tụ dưới đáy hồ trong thời gian dài liệu có gây ảnh hưởng và nếu có, phải nạo vét bùn theo định kỳ?

Tiến sĩ Ưng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá, các hồ ở Hà Nội có đặc điểm khác nhau, nên phải lắng nghe “cơ thể” hồ. Công ty cần xây dựng quy trình phân loại để xử lý, đặc biệt là duy trì chất lượng nước sau cải tạo để tránh ô nhiễm lại.

Trước những ý kiến này, ông Võ Tiến Hùng cho biết, Công ty đã xây dựng quy trình về xử lý, cải tạo chất lượng nước hồ và tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Từ thực tiễn hơn một năm qua, Công ty nhận thấy phải xây dựng quy trình để xử lý ô nhiễm với các nhóm hồ khác nhau nhằm bảo đảm làm sạch môi trường nước.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, hy vọng thời gian tới, hệ thống hồ nước của Hà Nội sẽ được cải tạo đồng bộ, góp phần gìn giữ môi trường trong lành cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lá phổi" thêm xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.