Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Minh Huệ| 20/03/2018 15:26

(HNMO) - Chiều 20-3, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội đã thông tin về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018.


Phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATTP

Thông tin tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, năm 2017, công tác ATTP được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp lễ hội và đợt cao điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm (năm 2017, thanh tra kiểm tra 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 7.221 cơ sở với số tiền phạt hơn 38 tỷ đồng). Phát huy hiệu quả xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về ATTP (xét nghiệm 1.101 mẫu, trong đó có 85 mẫu dương tính).

Bên cạnh đó, trên toàn thành phố đã duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP, phối hợp với các tỉnh trong quản lý ATTP theo chuỗi như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh, Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn được sản xuất trên địa bàn…

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung thông tin tại hội nghị giao ban báo chí chiều 20-3.


Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, hiện nay, một bộ phận người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định ATTP và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vì lợi nhuận trước mắt. Người tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi trong khi mua bán thực phẩm mà không biết rõ nguồn gốc và lựa chọn sử dụng dịch vụ kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động; còn nhiều chợ tạm, chợ cóc, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo ATTP... Đáng chú ý, sự vào cuộc của chính quyền cấp xã ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, chưa thường xuyên, trong kiểm tra chủ yếu là nhắc nhở. Nhân lực chuyên trách ATTP còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện, đặc biệt tuyến xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách về ATTP.

Tăng cường phân cấp quản lý

Năm 2018, theo ông Trần Văn Chung, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tăng cường phân cấp quản lý, hướng dẫn công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác ATTP theo chức năng kiêm nhiệm. Đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện Tiêu chí chấm điểm công tác ATTP quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định ATTP. Triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã khi được phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, các địa phương, phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý nguồn thực phẩm.

Tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP. Các sở tăng cường sử dụng phát huy hiệu quả 5 xe kiểm nghiệm ATTP tại các chợ, siêu thị, các cơ sở dịch vụ ăn uống, tập trung làm các xét nghiệm nhanh về dư lượng hóa chất trong thực phẩm có trong rau, củ, quả, thức ăn... để sàng lọc, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, răn đe hành vi vi phạm quy định ATTP.

Chăm sóc rau sạch tại HTX Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Bên cạnh đó, kiện toàn và nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống ngộ độc thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Chủ động xét nghiệm giám sát thực phẩm để quản lý, kiểm soát chặt và hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.

Xây dựng một số mô hình điểm về ATTP và hỗ trợ kết nối giữa cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; phát triển các vùng rau an toàn, mô hình sản xuất an toàn.

Đáng chú ý, xây dựng 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát; quản lý bữa cỗ tập trung đông người chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm ở 80 xã, phường thuộc 10 quận, huyện; nâng cao năng lực tự quản lý ATTP của 5 trường tiểu học.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, năm 2018, tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng sản thực phẩm an toàn; đảm bảo ATTP các thực phẩm tươi sống và thực phẩm tiêu dùng hàng ngày cho nhân dân. Tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm thực phẩm an toàn. Cùng với đó, xây dựng quy định, tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và quy trình xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Ông Tạ Văn Tường cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội còn 967 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong năm nay, phấn đấu giảm 10% điểm giết mổ nhỏ lẻ và dần tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, mở rộng và phát triển các chợ mới theo quy hoạch bảo đảm ATTP; tăng cường kiểm tra ATTP tại các chợ, siêu thị; giảm các chợ cóc, chợ tạm và tiến tới xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.