Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn công trình chống lũ: Nhiệm vụ cấp bách

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 18/04/2018 06:58

(HNM) - Mặc dù đã được ngân sách nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, nhưng chất lượng một số công trình đê điều của TP Hà Nội vẫn chưa bảo đảm...

Huyện Chương Mỹ cải tạo đê hữu Bùi đáp ứng yêu cầu chống lũ rừng ngang.


Nhiều ẩn họa

Nằm trong số ít địa phương có hai dòng sông lớn chảy qua, huyện Ba Vì có 9,7km đê hữu Đà và gần 26,6km đê hữu Hồng làm nhiệm vụ chống lũ thượng nguồn, bảo vệ khu vực nội thành Hà Nội. Do tính chất quan trọng nên hai tuyến đê này luôn được Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đầu tư kinh phí gia cố, tu bổ, cải tạo, nâng cấp... Đánh giá chất lượng công trình trước mùa mưa lũ năm 2018, huyện Ba Vì khẳng định, hai tuyến đê này đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế nhưng khó bảo đảm an toàn khi mực nước sông Đà, sông Hồng trên mức báo động III, chống lũ trong nhiều ngày...

Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Thực tế, do biến đổi dòng chảy, tác động của việc xả lũ các hồ thủy điện nên trên hai tuyến đê này đã xảy ra 5 sự cố sạt lở bờ sông, mái kè đoạn thuộc các xã: Cổ Đô, Phú Cường, Đông Quang, Chu Minh, Minh Châu; trong đó sự cố sạt lở mái đê, kè đoạn xã Cổ Đô là nghiêm trọng nhất, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình đê điều...

Theo phản ánh của các quận, huyện, thị xã, từ năm 2017 đến nay, trên các tuyến đê đi qua địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 20 sự cố… Mặc dù vấn đề này đã được thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập dự án xử lý cấp bách nhưng đến nay tiến độ triển khai còn chậm. Nguyên nhân là nguồn lực đầu tư hạn chế, trình tự đầu tư còn nhiều thủ tục…

Đánh giá hiện trạng, chất lượng công trình trước mùa mưa bão năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, tất cả các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, về cao trình đều bảo đảm yêu cầu chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, do một số vị trí mới được sửa chữa, nâng cấp, chưa được thử thách qua lũ lớn nên hiện nay trên các tuyến đê đi qua địa bàn Hà Nội còn 3 vị trí trọng điểm về phòng, chống lụt bão gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống, thuộc địa bàn huyện Đông Anh; đê, kè Cổ Đô nằm trên tuyến đê hữu Hồng (huyện Ba Vì); công trình cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm). Bên cạnh đó, các tuyến đê của TP Hà Nội còn 13 vị trí xung yếu: Ngoài ra, do nguồn lực ngân sách còn hạn chế nên hiện nay hơn 160km đê cấp IV, 62km đê cấp V và 133km đê bao, đê bối... chưa được đầu tư kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi lũ lớn...

Bảo vệ các vị trí xung yếu

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2018, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó khoảng 4-6 cơn bão có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta. Bên cạnh đó, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nhiều trận mưa lớn, trên diện rộng gây lũ lụt, ngập úng cho các đô thị, trong đó có TP Hà Nội.

Để công trình đê điều an toàn, đủ năng lực chống lũ trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố, Bộ NN&PTNT tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tu bổ đê, kè, đặc biệt là các công trình trên dọc tuyến các sông Đà, Hồng, Đuống để bảo vệ các vị trí trọng điểm, xung yếu. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị được giao triển khai dự án xử lý cấp bách, khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều... tập trung thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2018. Các quận, huyện, thị xã lập phương án, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố công trình ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ven đê thường xuyên tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai; đặc biệt là các hành vi xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, đổ phế thải, lấn chiếm bờ, bãi, lòng sông; mở bến bãi kinh doanh, khai thác cát trái phép trên sông...

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Theo đó, các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai, kịp thời phát hiện các hư hỏng và chủ động sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình theo phân cấp. Các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức phải đặc biệt lưu ý kiểm tra công trình chống lũ rừng ngang, sạt lở đất, đá và xây dựng phương án để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn công trình chống lũ: Nhiệm vụ cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.