Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Cần sự vào cuộc của nhiều phía

Bài, ảnh: Hà Hiền| 17/06/2018 07:49

(HNM) - Trẻ em cần được sống, học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh cả trong đời sống cũng như trên mạng xã hội. Trước tình trạng trẻ em sử dụng internet tăng nhanh tại Việt Nam, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề không thể không quan tâm, giải quyết.

Một tiết mục tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em sử dụng internet an toàn tại Diễn đàn trẻ em quận Hà Đông năm 2018.


Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nguyễn Hữu Đạt (10 tuổi), trú tại ngõ 378, phố Thụy Khuê, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ) cho biết, dịp hè này, cháu truy cập internet khoảng 5 giờ/ngày. Bố mẹ cháu có nhắc nhở sử dụng internet nhiều là không tốt, nhưng ở nhà buồn, cháu vào mạng để giải trí. Ở nhà không có mạng, Trần Tuấn Anh (14 tuổi), trú tại phố Ngô Quyền (Hà Đông) cùng nhóm bạn thường đến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet chơi điện tử khoảng 15 giờ/tuần. Nhiều trẻ em khác từ 7 đến 15 tuổi được hỏi đều khẳng định, các cháu sử dụng internet tối thiểu khoảng 1 giờ/ngày. Dịp nghỉ hè, thời gian trẻ em sống với thế giới ảo tăng lên, ít thì 1-2 giờ mỗi ngày, nhiều thì 5-7 giờ/ngày, thậm chí một số trường hợp sử dụng internet nhiều hơn thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay, nước ta có khoảng 60 triệu người sử dụng internet, trong đó có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội. Tỷ lệ trẻ em dùng internet chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội tại Việt Nam. Đây là kênh thông tin khá hữu dụng với tất cả mọi người, là cầu nối để giới trẻ kết nối bạn bè, mở mang tri thức. Phần lớn trẻ em sử dụng internet ở nước ta do tự tìm hiểu hoặc tìm hiểu từ bạn bè (chiếm 85%); rất hiếm trường hợp được nhà trường, thầy, cô giáo hay bố, mẹ hướng dẫn. “Điều đó rất nguy hiểm, bởi thông tin trên mạng đa dạng, phức tạp, trẻ em chưa đủ kiến thức, kỹ năng để làm chủ, dễ dẫn đến nhận thức sai lệch”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định.

Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên Việt Nam, UNICEF cảnh báo, sử dụng internet quá nhiều khi thiếu sự kiểm soát, định hướng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần dễ phát sinh suy nghĩ tiêu cực, rối loạn cảm xúc, khó làm chủ hành vi, thậm chí sẽ tìm đến cái chết. Trên thực tế đã có một số trẻ em “nghiện” mạng xã hội, bị trầm cảm phải vào bệnh viện điều trị hoặc tự tìm đến cái chết; có không ít trẻ em học hành sa sút, chậm phát triển trí tuệ, thể chất do “nghiện” game online, smartphone, ipad… Đáng lo hơn, trẻ em tham gia mạng xã hội đối mặt với nguy cơ bị lừa, đe dọa, xâm hại, bị mua bán, lộ bí mật đời sống riêng tư…

Suy nghĩ trước khi chia sẻ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Bố mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng… Như vậy, trẻ em có quyền được tham gia và quyền được bảo vệ trên môi trường mạng, vấn đề là các cơ quan chức năng, gia đình và xã hội cần làm những gì, làm như thế nào để trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, các bên liên quan cần chủ động giáo dục, trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo đảm an toàn trên môi trường mạng. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, phụ huynh phải là người biết rõ những hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, phù hợp với đặc tính của từng đứa trẻ, hoàn cảnh gia đình.

Hiện nay, Facebook Việt Nam đang phối hợp Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thực hiện chương trình giáo dục an toàn trên mạng - Think Before You Share (suy nghĩ trước khi chia sẻ). Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD cho biết, Think Before You Share được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố với mục tiêu đào tạo khoảng 30.000 thanh, thiếu niên từ 13 đến 25 tuổi, 1.500 giáo viên... trở thành những “công dân số” tiêu biểu, có khả năng định hướng, hướng dẫn giới trẻ sử dụng Facebook an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, chương trình sẽ cung cấp tài liệu, video trực tuyến hướng dẫn cách sử dụng Facebook cho khoảng 250.000 thanh, thiếu niên Việt Nam.

Trao đổi về những hình ảnh thường thấy trên Facebook như “khoe” bảng điểm, giấy khen, đưa ảnh, video về các hoạt động của trẻ em… bà Clair Deevy, Giám đốc Cộng đồng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook khẳng định, đó là việc không nên làm. Hành động này vi phạm quyền được bí mật thông tin của trẻ em, đồng thời có thể tạo ra những phiền toái, áp lực không mong muốn cho trẻ em và gia đình. “Xây dựng môi trường an toàn trên mạng xã hội là mục tiêu, trách nhiệm của tất cả mọi người. Để làm được điều này, người sử dụng cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin, bình luận, kết bạn hay làm bất cứ việc gì trên Facebook cũng như các mạng xã hội khác”, bà Clair Deevy nhắc nhở.

Như vậy, muốn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trước hết, người lớn phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, từ bỏ thói quen hễ thấy thích là chia sẻ tưởng chừng vô hại, nhưng thực tế có thể gây ra những tác hại khôn lường; đồng thời hướng dẫn cho trẻ em biết cách sử dụng mạng xã hội an toàn. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về vấn đề này cần được triển khai sâu rộng, quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Cần sự vào cuộc của nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.