Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm đưa người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Tuệ Diễm| 18/06/2018 07:17

(HNM) - Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực điều trị, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh tích cực tìm các phương án sớm đưa người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.


Theo hồ sơ quản lý người nghiện của Công an TP Hồ Chí Minh, hiện nay tổng số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố đã thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 4.286 người. Ngoài ra, thành phố hiện có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác đang quản lý và tổ chức cai nghiện phục hồi cho 8.884 người.

Để quản lý hiệu quả, thành phố đã sử dụng nhiều biện pháp để kịp thời phát hiện và vận động người nghiện đi cai nghiện. Trong quá trình quản lý cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, số người nghiện đã giảm 2.915 người do phần lớn người dân hoàn thành thời gian cai nghiện, một số người nghiện tử vong và một số chuyển đi địa phương khác sinh sống.

Ngoài lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện của thành phố đã lập 123 điểm tư vấn hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Các trung tâm này có chức năng tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống tái nghiện và hướng dẫn người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện cho chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ giúp đỡ đưa đi cai nghiện.

Tuy vậy, để giảm tỷ lệ người nghiện, tái nghiện đang là vấn đề rất khó khăn. Ông Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết cơ sở vật chất của trung tâm đang quá tải khi cùng lúc điều trị cho 700 người nghiện ma túy.

Từ thực tế này, UBND TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự hợp tác của tất cả các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và cả đơn vị tư nhân cùng tham gia san sẻ trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Điển hình là chính sách kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cấp phép cho các cơ sở cai nghiện tư nhân được phép hoạt động.

Hiện nay, thành phố có 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện, trong đó có 3 cơ sở cai nghiện dân lập là Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, Trung tâm Cai nghiện ma túy Làng Bình Minh, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm.

Để sớm xác định được nguyên nhân nghiện, chất gây nghiện mới, đại diện Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đã đào tạo cho hơn 500 y, bác sĩ phục vụ cho các trung tâm cai nghiện của thành phố; cập nhật kiến thức trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị cho người nghiện các chất ma túy mới, lạ du nhập vào nước ta. Trước tình trạng nghiện ma túy đá gia tăng, bệnh viện cũng đã kịp thời mở cơ sở 30 giường để điều trị loạn thần do sử dụng ma túy đá.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang ngày càng hoàn thiện quy trình cai nghiện, nâng cao về chất lượng. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, tư vấn, tham vấn cho học viên để khuyến khích các học viên sớm tái hòa nhập và sống có ích với cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh các biện pháp để giải quyết hậu quả của tệ nạn ma túy thì các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn tệ nạn này thông qua công tác điều tra, triệt phá các đường dây sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ chất ma túy nhằm hạn chế và xóa bỏ các nguồn cung cấp chất nghiện trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.