Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Cần sự kết nối đồng bộ

Vũ Khánh| 18/07/2018 07:53

(HNM) - Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế.

Người dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) làm thủ tục lĩnh tiền bảo hiểm xã hội hằng tháng. Ảnh: Linh Ngọc


Khắc phục bất cập về chính sách

Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII vừa qua, Ðề án cải cách chính sách BHXH được đưa ra thảo luận và đây cũng được xem là thời điểm phù hợp để tiến hành việc cải cách này. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH và nêu bật 11 nội dung cải cách, trong đó đề cập đến các vấn đề quan trọng như: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách, nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức…

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả các chính sách BHXH, theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ngành đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết. Đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các giải pháp, khắc phục những bất cập hiện nay về chính sách, nhất là các quy định về mức đóng, căn cứ đóng, mở rộng diện bao phủ BHXH, gia tăng số lao động tham gia BHXH khu vực phi chính thức, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tiến tới BHXH toàn dân… Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, giảm số giờ giao dịch với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% vào năm 2021, đạt mức 85% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt mức 90%...

Mở rộng đối tượng

Để đạt được hiệu quả về mặt chính sách, sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH là một yếu tố quan trọng, song, điều này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Trước mắt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi để không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả, thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo, đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm; chú ý đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta còn rất nặng về giải quyết hậu quả và nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tác động. Ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, trong bất kỳ một chính sách bảo hiểm nào, các giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất.

Trên cơ sở sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách, BHXH Việt Nam cũng cho biết các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt sẽ được xem xét thiết kế để người dân có nhiều sự lựa chọn. Các chế độ BHXH tự nguyện được mở rộng, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.

Mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ được tiếp cận ở cả đầu vào (đối tượng tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi) và đầu ra (số người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm có nhu cầu và có khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sửa đổi chính sách để người lao động chọn phương án bảo lưu thời gian tham gia, thay vì nhận BHXH một lần.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các nhà quản lý, chuyên gia BHXH đã thống nhất quan điểm, cải cách chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu xuyên suốt là nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân, hướng tới BHXH toàn dân, không một ai bị bỏ lại phía sau. Đạt được các nguyên tắc công bằng, bền vững và chia sẻ, độ bao phủ của BHXH sẽ được mở rộng, tình trạng hưởng BHXH một lần sẽ giảm, niềm tin của người dân vào chính sách BHXH và hệ thống BHXH sẽ được củng cố và tăng cường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Cần sự kết nối đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.