Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

Phú Châu| 23/07/2018 14:18

Làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập bình quân thấp hơn nam giới, sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới… là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thời đại kỷ nguyên số và hội nhập.

Đây là những vấn đề được các đại biểu thảo luận tại diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ngày 18-7 tại Hà Nội.

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt trên 70% và tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ năm 2017 đạt 31,6% - thuộc nhóm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao.


Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp ở nhóm 1 trong 5 nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.

Nói về những thách thức trong bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công…


Làm thế nào để phát triển việc làm cho lao động nữ trong thời kỷ nguyên số và hội nhập. Trả lời câu hỏi này, các đại biểu cho rằng đây là câu hỏi khó và phức tạp đòi hỏi cần thực hiện các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến nhận thức trong bình đẳng giới đối với lao động nữ.

Thúc đẩy chính sách cùng những nỗ lực từ phía doanh nghiệp

Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện vĩ mô trên góc độ của xã hội, mà trước hết cần phải là câu chuyện từ mỗi doanh nghiệp. Thấm nhuần tầm quan trọng của bình đẳng giới và nỗ lực thực hiện các chính sách phúc lợi trong công ty để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng yếm thế chính là cách các doanh nghiệp chung tay với xã hội để giải quyết những thách thức trong bình đẳng giới đối với lao động nữ.

Trong khuôn khổ chương trình diễn đàn đa phương, các đại biểu đã được tham quan khu tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên để tìm hiểu rõ hơn về những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ tại doanh nghiệp.

Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm trên 70%, Samsung Việt Nam luôn chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối với nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Hiện tại, ở nhà máy Samsung Việt Nam có khoảng 20.000 nhân viên nữ đang trong chế độ thai sản. Tất cả những nhân viên này đều được hưởng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Các nhà máy của Samsung Việt Nam đều đầu tư xây dựng phòng Mommy room cho nhân viên mang bầu và nuôi con nhỏ có thể sử dụng vắt sữa, ăn bữa ăn phụ, nghỉ ngơi và đọc sách báo cung cấp thông tin hữu ích dành cho giai đoạn thai kỳ và nuôi con nhỏ.


Ngoài ra, nhân viên đang mang thai được công ty ưu tiên chăm sóc và hỗ trợ. Mỗi tuần Samsung áp dụng 2 suất ăn đặc biệt với chế độ ăn tốt hơn đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Đáng chú ý, ngoài 6 tháng nghỉ thai sản theo luật, nhân viên nữ kể từ khi đăng kí thông tin thai sản có thể xin nghỉ hưởng 50% lương để ở nhà chăm sóc thai nhi.

Thêm vào đó, Samsung Việt Nam còn có các hoạt động tư vấn định kỳ cho nhân viên mang thai và nuôi con nhỏ được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia tư vấn của Công ty và chương trình hợp tác với chuyên gia là cố vấn sức khỏe của Bệnh viện Bạch Mai để cung cấp cho các em kiến thức về sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng. Ngay trong công ty, hoạt động tư vấn tâm lý được đội ngũ chuyên gia của Công ty triển khai tích cực, giúp cho nhân viên có những lời khuyên hữu ích để vượt qua những khó khăn, khúc mắc về tâm sinh lý. Gần đây, đầu tháng 6-2018, các nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên đưa vào sử dụng Phòng khám Sản khoa, đảm nhiệm chức năng khám, siêu âm, tư vấn sinh sản cho nhân viên mang thai và nuôi con nhỏ thực hiện bởi các bác sỹ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đây là những sáng kiến đang phát huy hiệu quả tích cực trong chuỗi những chương trình phúc lợi nhằm mang đến một môi trường làm việc tốt nhất dành cho nhân viên nữ tại Samsung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.