Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó thiên tai

Kim Nhuệ| 29/07/2018 07:07

(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Ba Vì đang tích cực triển khai các phương án nhằm chủ động phòng tránh, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, Nhà nước.

Kiểm tra sự cố sạt lở bờ sông Hồng, đoạn xã Minh Châu (huyện Ba Vì).


Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì, những năm gần đây, trên địa bàn huyện liên tục xuất hiện 7 loại hình thiên tai lớn: Bão, ngập úng, dông lốc, rét hại và băng tuyết, lũ trên các triền suối, hạn hán và cháy rừng. Trong đó, loại hình thiên tai ngập úng thường xuất hiện sau các trận mưa lớn dày hơn và gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Ba Vì đã xảy ra mưa lớn, tại trạm đo Suối Hai 189mm, Sơn Đà 178mm, Trung Hà 129mm, Thái Hòa 110mm... Mưa lớn gây úng ngập hơn 905ha lúa, 114ha rau màu, 51ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại 12 tấn cá của 31 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các xã bị thiệt hại nặng nhất: Minh Quang, Khánh Thượng, Phú Sơn, Tòng Bạt, Tây Đằng, Cổ Đô... Sau gần 10 ngày huy động toàn bộ trạm bơm tiêu úng, đến nay, một số diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn bị ngập cục bộ...

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn sẽ hoạt động bất thường, không theo quy luật, gây khó khăn cho công tác dự báo và ứng phó thiên tai. Dự báo trong tháng 8-2018, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, trong đó có huyện Ba Vì, TP Hà Nội tiếp tục xảy ra nhiều trận mưa lớn bất thường, gây sạt lở đất, úng ngập cho khu vực miền núi, vùng ven sông...

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì cho biết, đã yêu cầu các xã, thị trấn, trước mắt, tập trung công tác khắc phục hậu quả trận mưa vừa xảy ra trên địa bàn: Triển khai ngay phương án bơm tiêu cứu diện tích lúa, hoa màu bị úng ngập; đồng thời, cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân tại những khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất tại các xã: Minh Châu, Phú Cường, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cổ Đô, Đông Quang...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo kế hoạch và phương án đã được lập và phê duyệt; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin báo cáo kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện... Các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, chủ động kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi, đê điều bị hư hỏng, các trọng điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ suối, vùng bãi sông, vùng trũng thấp nguy hiểm, các hồ chứa thủy lợi... bảo đảm an toàn công trình và khu vực hạ du; phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì thường xuyên kiểm tra và có biện pháp tiêu nước đệm cho các trọng điểm ngập úng, bảo đảm an toàn cho diện tích sản xuất nông nghiệp vụ mùa và thủy sản...

Ngoài ra, huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn ven đê sông Hồng, sông Đà phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê Ba Vì thường xuyên kiểm tra, phát hiện, báo cáo kịp thời các sự cố đê kè, công trình xung yếu, đề xuất biện pháp xử lý; tổ chức cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân biết và có phương án chi tiết di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Trong đó, đặc biệt chú ý các vị trí sạt lở nguy hiểm trên địa bàn các xã: Cổ Đông, Chu Minh, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Minh Châu, Phú Cường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.