Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chảy mãi những mạch ngầm sáng tạo

Nhóm phóng viên| 01/08/2018 05:39

(HNM) - Trong 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, tiềm năng trí tuệ, con người với sức sáng tạo to lớn trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học - công nghệ... đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ông Etienne Rolland-Piègue, Tham tán Văn hóa và Hợp tác - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam:
Điều chỉnh địa giới hành chính giúp Hà Nội có thêm không gian phát triển


Thành phố - Thủ đô Hà Nội từng đối diện với nhiều thách thức: Thách thức dân số cùng với việc gia tăng dân số nhanh chóng, thách thức kinh tế với hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng và gia tăng việc làm trong ngành dịch vụ, thách thức hậu cần trong việc quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông công cộng vùng, thách thức đô thị trong việc phát huy di sản kiến trúc và mở rộng thành phố ra những không gian mới. Những thách thức này đòi hỏi sự thay đổi mô thức trong quy hoạch đô thị và bố trí không gian. Việc điều chỉnh địa giới hành chính cách đây 10 năm giúp Hà Nội có thêm không gian phát triển và vươn lên trở thành một trong những thành phố lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Hà Nội xuất phát chậm nhưng có nhiều lợi thế: Vị trí địa lý, nền kinh tế năng động, các quan hệ đối tác quốc tế chất lượng và một di sản đô thị khác biệt so với nhiều thành phố lớn khác trong khu vực.

Di sản đô thị của Hà Nội có nhiều gắn kết với nước Pháp và lịch sử chung mà hai nước chúng ta chia sẻ. Được du nhập vào Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, kiến trúc Pháp đã phát triển trong nhiều thập niên, dần tìm cách hòa hợp với môi trường nhiệt đới và phát huy giá trị riêng. Từ đây, những kinh nghiệm của Pháp trong quy hoạch đô thị có thể giúp Hà Nội phát huy những thế mạnh riêng của mình. Viện Đào tạo chuyên ngành Đô thị, nay có tên gọi Paris Région Expertise ou PRX-Vietnam, đã hợp tác với UBND TP Hà Nội từ 17 năm nay trong lĩnh vực phát triển đô thị. Paris Région Expertise huy động kinh nghiệm của Vùng Ile-de-France trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, kiến trúc, giao thông công cộng, môi trường, di sản và du lịch. Sự phát triển của Hà Nội cũng đem lại nhiều cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp của chúng ta; đặc biệt đường tàu điện ngầm số 3 của Hà Nội, với sự hỗ trợ tài chính của Pháp và sự tham gia của một tổ hợp doanh nghiệp Pháp, sẽ giúp cải thiện điều kiện giao thông cho người dân Hà Nội. Hiển diện thông qua dấu ấn kiến trúc đô thị, nước Pháp tiếp tục sát cánh cùng TP Hà Nội và người dân Hà Nội vượt qua những thách thức của tương lai.

PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội:
Khoa học và công nghệ góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô


Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, khoa học và công nghệ Hà Nội đã góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô, ghi dấu ấn vào thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Bên cạnh đó, người dân Thủ đô cũng mong muốn Hà Nội sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để khoa học và công nghệ góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển của một Hà Nội hiện đại, văn minh, để các hoạt động khoa học và công nghệ thực sự ngang tầm với vị thế của một trung tâm khoa học hàng đầu đất nước. Trước mắt, người dân mong mỏi khoa học và công nghệ tham gia tích cực và hiệu quả vào việc giải quyết hàng loạt vấn đề đang còn tồn tại, như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm…

Riêng cá nhân tôi xin đề xuất, Hà Nội cần thường xuyên rà soát, bổ sung, tiến tới hoàn thiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô, tiếp cận và tận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại song phải thiết thực và phù hợp với yêu cầu, điều kiện của Thủ đô, không loại trừ sự đi tắt đón đầu và đan xen của công nghệ hiện đại và truyền thống. Đầu tư cho khoa học và công nghệ phải đủ ngưỡng, thông qua việc kết hợp có hiệu quả giữa ngân sách nhà nước và xã hội hóa; thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội - nghề nghiệp cần được tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội. Đặc biệt, Hà Nội cần chú trọng khai thác tối đa chất xám của các nhà khoa học đang sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô và các nhà khoa học, kể cả Việt kiều, người nước ngoài có tâm huyết với Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chuốt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Tản Viên Sơn (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội):
Hòa mình vào dòng chảy sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển Thủ đô


Trong 10 năm qua, văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài là những người được thụ hưởng nhiều lợi ích. Hà Nội luôn là nơi tụ hội văn nghệ sĩ tiêu biểu. Khi hòa chung trong hoạt động sáng tạo, giới văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa được gần gũi với những tinh hoa của văn học, nghệ thuật Thủ đô, được tiếp cận với tri thức, phương pháp sáng tạo của vùng trung tâm, để học tập, trao đổi và vận dụng vào sáng tác. Còn văn nghệ sĩ của đất Thăng Long được mở rộng tiếp xúc với những vùng đất văn hóa Xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, cùng những thành tố văn hóa riêng khác, chất liệu sáng tác cũng phong phú hơn. Sự điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, với những chuyển động trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội càng tạo nhiều cảm hứng cho văn nghệ sĩ. Vì thế, có thể thấy những năm qua, đời sống văn học, nghệ thuật Hà Nội đa dạng và phát triển mạnh mẽ.

Sự hòa chung trong hoạt động văn học, nghệ thuật 10 năm qua ở Thủ đô cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đem đến cho công chúng Hà Nội nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng. Điều này còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư, kéo gần khoảng cách giữa các địa bàn.

Giới văn nghệ sĩ vốn dĩ luôn gắn bó, kết nối với nhau trong công cuộc tìm tòi sáng tạo. Vì vậy, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa là lực lượng hòa nhập nhanh nhất, tạo nên một khối đoàn kết, cùng chung sức sáng tạo. Từ đó, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống mới, mang khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ ra đời, đi vào đời sống, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam: 
Tạo lập không gian và chất lượng sống tốt hơn cho người dân


Qua 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Xây dựng nông thôn ngoại thành dẫn đầu cả nước. Về công tác quy hoạch, đến nay cơ bản đã hoàn thành hệ thống quy hoạch xây dựng, phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên, tạo căn cứ để triển khai các dự án xây dựng, tạo lập tầm nhìn về diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại từ khu vực đô thị trung tâm đến vùng nông thôn. Trong 10 năm qua, quy hoạch xây dựng không gian kiến trúc cũng đã có nhiều đổi mới cả về lượng và chất. Khối lượng các công trình xây dựng, nhất là nhà ở có nhiều đột phá. Điểm sáng nổi bật là việc phát triển các khu đô thị mới, tạo lập không gian và chất lượng sống tốt hơn cho người dân, đồng thời tạo điểm nhấn cho cảnh quan Thủ đô hiện đại, văn minh.

Với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng được thành phố chú trọng. 10 năm qua, Hà Nội đã có nhiều điểm sáng trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là về giao thông, đã giải quyết được một số quá tải cục bộ như: Xây dựng cầu vượt, cầu qua sông Hồng, phát triển giao thông hàng không, bước đầu đổi mới cấu trúc phương tiện giao thông, chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng...

Song bên cạnh thành tựu, còn các hạn chế, tồn tại do khách quan và cả chủ quan như: Gia tăng dân số gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu... Nhận biết được tồn tại, thách thức, từ đó đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực quản lý, tôi tin rằng thời gian tới Hà Nội sẽ còn có những bước tiến mới để thực hiện phát triển tổng thể, xứng tầm là nơi "Thượng đô kinh sư muôn đời".

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long: 
Động lực phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế


Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ siêu thị BigC Thăng Long được thành lập từ năm 1999, là liên doanh giữa Công ty Vindemia SA (Central Group) và Công ty Thăng Long GTC để đầu tư, kinh doanh hệ thống siêu thị BigC ở Hà Nội. Sau 19 năm hoạt động, đơn vị đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Trong những năm hoạt động tại Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được rõ nét những thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh và đầu tư. Đặc biệt, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính đã mang lại cho Thủ đô diện mạo mới, quy mô mới với thị trường được mở rộng, thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư trong nước và quốc tế. Từ đó, tạo nhiều công ăn việc làm với thu nhập cao, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập và làm việc tại Thủ đô. Điều này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Vài năm gần đây, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành rất quyết liệt cải cách hành chính, tạo nên không khí phấn khởi cho các nhà đầu tư; tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư và thuận lợi cho người dân. Đó chính là động lực phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về cải cách thủ tục hành chính, tiềm năng của thị trường thì Hà Nội cần tiếp tục duy trì và lan tỏa sâu rộng hơn nữa không khí đổi mới đến cấp xã, phường, thị trấn... Ngoài ra, Hà Nội cần đầu tư hơn nữa về hạ tầng và cải thiện cảnh quan đô thị để không còn cảnh tắc đường và ngập lụt, qua đó xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp và hiện đại. Chúng tôi tin tưởng Hà Nội luôn là đô thị đáng sống với mỗi người dân, gắn liền với đặc tính năng động, nhân văn của cộng đồng bên cạnh hình ảnh sôi động của một thị trường hàng đầu cả nước; đặc biệt là hiệu quả trong công tác điều hành, cách ứng xử thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền thành phố...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chảy mãi những mạch ngầm sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.