Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đê tả Bùi, sông Tích tạm thời an toàn

Nhóm phóng viên| 02/08/2018 13:07

(HNMO) - Ngày 2-8, đê tả Bùi ở huyện Chương Mỹ và sông Tích ở huyện Quốc Oai tạm thời an toàn. Tuy nhiên, vùng “rốn” lũ Chương Mỹ, Quốc Oai và một số huyện lân cận, nhất là vùng trũng, thấp vẫn ngập lụt.


Vào 7h ngày 2-8, mực nước các sông nội đồng đã rút nhưng chậm. Tại huyện Chương Mỹ, do 2 ngày vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hòa Bình có mưa nhỏ nên mực nước sông Bùi giảm chậm, hiện vẫn ở mức cao.

Tính đến 11h ngày 2-8, mực nước sông Bùi tại trạm đo Yên Duyệt đạt 7,09m, vượt báo động 3 là 0,9m; giảm 0,42m so với đỉnh lũ ngày 30-7. Mực nước tại các khu dân cư vùng úng ngập giảm theo. Tính đến 7h sáng 2-8, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn 3.635 hộ bị úng ngập, 842 hộ bị ngừng cấp điện; so với ngày 1-8, giảm 48 hộ bị úng ngập, giảm 379 hộ bị ngừng cấp điện…

* Tại huyện Phú Xuyên, đợt mưa bão kéo dài vừa qua đã khiến 22 nhà bị tốc mái tại thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, mưa bão đã gây thiệt hại đến nhiều diện tích cây trồng. Cụ thể, diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng, thiệt hại là 53,9ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi là 15,6ha; diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại dưới 30% có khả năng phục hồi là 38,3ha; diện tích ngô và rau màu các loại bị ảnh hưởng, thiệt hại là 352,2ha. Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương) bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 70%, không có khả năng hồi phục là 120ha. Đối với nuôi trồng thủy sản, diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại là 19,58ha, trong đó, diện tích bị ảnh hưởng nhẹ đã kịp thời khắc phục là 10,08ha tại xã Minh Tân.

Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi bị ảnh hưởng đã được khắc phục.

* Tại huyện Mỹ Đức, tính đến nay, mưa bão đã làm 65 hộ (tại các xã An Phú, Hương Sơn) bị ngập nhẹ, phải kê kích tài sản. Diện tích sản xuất ngoài vùng bị ngập chủ yếu tập trung tại các xã: Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn. Trong đó, có 41ha lúa, 205ha sen, 450ha thủy sản, 184ha cây ăn quả, hoa màu khác bị ngập. Ngoài ra, một số diện tích lúa, hoa màu trong vùng đê bảo vệ cũng bị đầy nước, đang được tiếp tục bơm tiêu. Một số tuyến đê tràn đã được chống tràn hiệu quả…

* Tại thị xã Sơn Tây, cơn bão số 3 gây ngập úng cục bộ trên nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tính đến ngày 2-8, tổng diện tích nông nghiệp của thị xã bị ngập là 609,357ha, tập trung ở các xã: Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Xuân Sơn… Trong đó có 328,477ha lúa bị thiệt hại nặng, không còn khả năng thu hoạch; 80ha lúa và 65,31ha ngô, hoa màu bị thiệt hại từ 30-70%; 18,88ha cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%; 135,57ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước...

Trưa 2-8, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, tính đến 7h ngày 2-8, trên địa bàn thành phố còn 3.566ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Các địa phương còn nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập úng gồm: Quốc Oai (1.064ha), Chương Mỹ (763ha), Ba Vì (563ha), Thạch Thất (373ha)…

*Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, đợt mưa lũ từ ngày 14-7 đến 30-7 đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhân dân các xã ven sông Tích, nhất là sản xuất nông nghiệp. Theo đó, toàn huyện có khoảng 1.817ha lúa mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị ngập trắng là 1.226ha; diện tích rau màu thiệt hại gần 119ha. 

Đến nay, huyện Quốc Oai vẫn còn 3 thôn bị cô lập do nước lũ là Phú Cao (xã Phú Cát), Thông Đạt (xã Liệp Tuyết), Bến Vôi (xã Cấn Hữu). Theo ông Phạm Quang Tuấn, đến ngày 2-8, huyện đã huy động lực lượng "4 tại chỗ" xử lý thành công chống tràn trên toàn tuyến đê sông Tích tại xã Đông Yên.

* Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, tính đến ngày 2-8, trên địa bàn thành phố chỉ còn 3.566ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Địa phương còn nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập úng gồm: Quốc Oai (1.064ha), Chương Mỹ (763ha), Ba Vì (563ha), Thạch Thất (373ha)… 

Để giảm thiệt hại do thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. 

Các huyện xảy ra ngập lụt tiếp tục huy động các lực lượng, phối hợp với các công ty thủy lợi khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác và các vật cản trên các trạm bơm, kênh tiêu; tăng cường kiểm tra, theo dõi hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ đạt mực nước thiết kế để chủ động điều tiết, phòng tránh các sự cố. 

Các huyện có đồi núi như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức chủ động tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động phương án sơ tán nhân dân, tài sản đến nơi an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đê tả Bùi, sông Tích tạm thời an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.