Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tình trạng “làm cho có”

Hà Phong - Hiền Thu| 18/08/2018 06:10

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này khẳng định quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nỗ lực khắc phục tình trạng hình thức, “làm cho có” trong tiếp công dân.

Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt



Một số đơn vị chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm

Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thanh Hải cho biết, kỳ họp Quốc hội trước đã nêu rất cụ thể những bộ, ngành, tỉnh, thành phố không công bố lịch tiếp dân, nhưng đến nay, việc giải quyết dứt điểm vẫn chưa thỏa đáng.

Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội cho thấy, trong tổng số 1.993 kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, đến nay có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin; 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang nghiên cứu giải quyết... Mặc dù 59/59 đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố đánh giá, việc trả lời kiến nghị cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn 43/59 đoàn đại biểu Quốc hội nhận xét, còn những bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề cụ thể cử tri nêu, điển hình là Bộ Giao thông - Vận tải...

Đáng chú ý, khảo sát trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh công tác tiếp công dân cho thấy: Chỉ có 27 tỉnh, thành phố công bố lịch tiếp công dân, 33 tỉnh không công bố, 3 tỉnh không truy cập được. Trung ương chỉ có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ công bố lịch tiếp công dân.

Theo Ban Dân nguyện, công tác tiếp công dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp. Thế nhưng, ngay khâu đầu tiên, đơn giản nhất là công khai lịch tiếp công dân, các địa phương, đơn vị còn chưa thực hiện đầy đủ thì các vấn đề khác hiệu quả sẽ ra sao là vấn đề dư luận đặt câu hỏi. Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định: "Ngoại trừ các vụ việc bị kích động, còn lại cực chẳng đã, bà con cô bác ở địa phương, trong đó có cả người già và trẻ em mới phải lên Hà Nội khiếu kiện".

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước; có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Chủ động nắm và giải quyết từ cơ sở

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất; công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp công dân.

Các nội quy, quy định được niêm yết công khai tại trụ sở tiếp dân. Ảnh: Giang Sơn



Về phần mình, sau khi có chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đã xác định phải quan tâm hơn nữa công tác này. Trong đó, TP Hà Nội đã yêu cầu phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân.

Thực tế thời gian qua, để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tiếp và đối thoại với công dân, nghiêm túc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo để thông qua tiếp công dân góp phần giải quyết tận gốc vấn đề bất cập, dân sinh bức xúc từ cơ sở. Quan điểm xuyên suốt của TP Hà Nội thời gian qua là gần dân, sát cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề từ cơ sở.

Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2018, lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội giảm tới 43,9%. Trong đó, cấp huyện giảm 45,1% và cấp xã giảm tới 57,1%. Từ con số này có thể khẳng định, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã nắm được tâm tư của người dân ngay từ cơ sở. Số lượng lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố tiếp dân đã tăng lên 76,3%, đặc biệt cấp quận, huyện và thị xã tăng tới 86,6%.

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết: “Qua nhiều cuộc kiểm tra công vụ thời gian qua cho thấy, một trong những chuyển biến rõ nét là đã không còn tình trạng phòng tiếp dân “cửa đóng, then cài” trong giờ làm việc. Các đơn vị đã bố trí phòng tiếp dân và bố trí cán bộ tiếp dân, có nội quy, quy chế và đều niêm yết 10 nội dung yêu cầu về nguyên tắc ứng xử với khách đến trụ sở”.

Trên bình diện chung, công tác tiếp dân tuy đã có chuyển biến tích cực song vẫn cần giải quyết dứt điểm, thấu đáo kiến nghị của người dân, bởi vẫn còn những đơn vị mới chỉ giải quyết được tư tưởng ban đầu. Việc giải quyết tận gốc kiến nghị của người dân, để người dân thực sự yên tâm và không khiếu nại kéo dài, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội cần tiếp tục kiên trì, nỗ lực hơn nữa; đặc biệt là một số cơ quan hành chính nhà nước cần khắc phục tình trạng tiếp công dân hình thức, "làm cho có".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để tình trạng “làm cho có”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.