Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư: Hiệu quả nhiều mặt

Mai Hữu| 23/08/2018 07:05

(HNM) - Trong những năm qua, cơ sở dữ liệu dân cư của TP Hà Nội đã được xây dựng hoàn thiện, bảo đảm phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước.

Nhập dữ liệu dân cư tại Công an quận Cầu Giấy.


Thuận lợi trong thu thập dữ liệu

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), hiện đã có khoảng 7 triệu công dân Thủ đô được nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố và dữ liệu mới liên tục được bổ sung. Trong đó, 2 triệu công dân đã được cấp mã định danh cá nhân.

Từ đầu tháng 2-2016, Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15-12-2015 của Bộ Công an “Quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng công an và người dân trong kê khai thông tin. Với khoảng 3 nghìn nhân khẩu đang sinh sống trong địa bàn quản lý, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn, cảnh sát khu vực công an phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, công tác thu thập dữ liệu dân cư hiện nay đã thuận lợi hơn so với thời gian trước. Việc tra cứu, tìm kiếm dữ liệu thông tin của công dân trở nên thuận lợi hơn, giúp ích cho cơ quan công an trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Theo Trung tá Nguyễn Thị Ngân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Cầu Giấy), UBND quận đã quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị cho công an quận để nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư đối với hơn 213 nghìn nhân khẩu trên địa bàn. Đồng thời, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng thường xuyên tổ chức các tổ thu thập thông tin, cấp căn cước công dân lưu động...

Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) nhận định, việc thu thập thông tin dữ liệu dân cư diễn ra thuận lợi trên địa bàn thành phố do công tác quản lý theo ba cấp của Công an thành phố gồm tàng thư hộ khẩu, tàng thư chứng minh nhân dân và sổ sách quản lý của địa phương, cơ sở khá đầy đủ. Công an thành phố đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã, bảo đảm không có sự chồng chéo trong công tác. Hiện nay, cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Hà Nội đã đi vào hoạt động ổn định và sẵn sàng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nỗ lực giải quyết vướng mắc

Vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để việc khai thác và sử dụng dữ liệu dân cư ngày càng hiệu quả.


Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thu thập, quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn nảy sinh những vướng mắc trong thực tế. Ông Nguyễn Sinh Lược, Trưởng Công an xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) cho biết, vấn đề khó khăn nhất trong công tác quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn là sự di biến động về nhân, hộ khẩu tạm trú. Trên địa bàn xã có khoảng 2 nghìn người đăng ký tạm trú, chủ yếu là học sinh, sinh viên, lao động thời vụ nên không ổn định về nơi ở. Ngoài ra, nhiều khu dân cư lực lượng công an phải đi lại nhiều lần mới thu thập xong vì người dân không có nhà. Bên cạnh đó, một số người dân chưa hiểu đầy đủ các quy định về mã số định danh trên căn cước công dân.

Trung tá Nguyễn Thị Ngân cho biết, nhiều trường hợp đến khai báo cấp căn cước mới mặc dù đã được cấp và sử dụng căn cước công dân để giao dịch dân sự, hay thậm chí dù không thất lạc nhưng vẫn báo mất để làm lại vì muốn có số căn cước đẹp hơn. Ngoài ra, nhiều công dân ở các tỉnh, thành phố khác đã được cấp căn cước công dân nhưng khi chuyển về thường trú tại địa bàn vẫn đến yêu cầu cấp mới. “Mỗi công dân chỉ có một mã số định danh chứa dữ liệu dân cư không thể thay đổi dù đi bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian qua, công an quận đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về dữ liệu dân cư, mã số định danh để người dân hiểu và chấp hành các quy định” - Trung tá Nguyễn Thị Ngân nói.

Đại úy Nguyễn Thành Lâm cũng nêu rõ, mỗi người dân khi đã được cấp số trong chứng minh nhân dân 12 số (trước khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực) hoặc căn cước công dân hiện nay thì đó là mã số định danh cá nhân của công dân. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động thì cơ sở dữ liệu dân cư của Hà Nội sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia - tạo tiền đề nâng cao các hoạt động quản lý khác nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Do đó, Đại úy Nguyễn Thành Lâm khuyến cáo, người dân chưa có mã số định danh cá nhân nên thực hiện đổi, xin cấp căn cước công dân nhằm khai thác hiệu quả hệ thống dữ liệu, với nhiều tiện ích trong các hoạt động giao dịch của cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư: Hiệu quả nhiều mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.