Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh hình thức trong đào tạo nghề

Bảo Vy| 28/08/2018 06:10

(HNM) - Kết quả khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho thấy, việc đào tạo nghề ở khu vực nông thôn còn hạn chế, nhiều nơi mang tính hình thức...

Kết quả khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố về lĩnh vực này cho thấy, việc đào tạo nghề ở khu vực nông thôn còn hạn chế, nhiều nơi mang tính hình thức...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, từ khi triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay, thành phố đã dạy nghề cho hơn 172.000 lao động nông thôn. Trong đó, dạy nghề về lĩnh vực nông nghiệp cho hơn 83.000 người; dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp cho gần 89.000 người. Qua khảo sát, số lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tỷ lệ hơn 83%. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, công tác đào tạo nghề cho nông thôn còn nhiều tồn tại, chất lượng, hiệu quả đào tạo không như mong muốn.

Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt. Công tác khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế dẫn đến danh mục nghề đào tạo còn dàn trải. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng dạy nghề, hiệu quả sau học nghề chưa được triển khai đồng bộ, nếu có thực hiện cũng còn mang tính hình thức. Đáng lưu ý, thành phố chưa có các giải pháp gắn kết đào tạo nghề với sử dụng lao động; việc thẩm định, lựa chọn cơ sở dạy nghề đủ điều kiện tham gia chưa được quan tâm đúng mức.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Chính phủ và Thành ủy về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời khắc phục những tồn tại đang đặt ra, UBND thành phố khẳng định, sẽ chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề làm cơ sở xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo cho lao động nông thôn hằng năm. Thành phố cũng rà soát danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tiễn trên cơ sở bám sát quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tăng cường định hướng, tư vấn nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo. Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu, các sở, ngành nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện tham gia đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh hình thức trong đào tạo nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.