Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Hiền Phương| 29/08/2018 06:33

(HNM) - Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương trong cả nước đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trong giám sát, vận động nhằm huy động sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới. Nỗ lực này đã góp phần quan trọng đưa diện mạo của nhiều vùng nông thôn ngày càng khởi sắc…


Phát huy sức dân

Về quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Hải Nam chia sẻ: Ngoài huy động trí tuệ và sức dân cùng chung tay cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, cán bộ mặt trận các thôn, làng còn trực tiếp đi vận động, tập hợp nhân dân để thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Nhờ đó, những câu hò, điệu ví vắng bóng lâu nay đã quay trở lại thành giai điệu cuộc sống của quê hương, góp thêm một giá trị ý nghĩa trong bộ tiêu chí nông thôn mới của Nghi Xuân.

Đường liên xã tại Thanh Trì - huyện đạt chuẩn nông thôn mới được bê tông hóa, thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: Khuê Diệp


Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) Phạm Quảng Đảng cho biết, thời gian qua, MTTQ xã đã phát huy tối đa vai trò của ban công tác mặt trận các thôn trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Cán bộ mặt trận của xã, thôn chủ trì gặp mặt đại diện 86 dòng họ, các hộ có đất trong diện phải giải phóng mặt bằng làm đường để tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, toàn xã có hơn 100 hộ tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

Bước vào xây dựng nông thôn mới, xã miền núi Tân Đồng (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) chỉ có 2/19 tiêu chí đạt, đó là thủy lợi và hệ thống tổ chức chính trị-xã hội. Cấp ủy, chính quyền xã đã đề cao vai trò của các ban công tác mặt trận thôn trong vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, xã tập trung vào các nội dung: Phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết nhà ở, xóa đói giảm nghèo, phát triển giao thông… “Nhờ cách làm này mà chỉ từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2015, xã Tân Đồng đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Đảng ủy xã Tân Đồng Phí Văn Chí khẳng định.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã đã tổ chức giám sát hơn 20.000 công trình, dự án. Qua đó, nhiều công trình, phần việc sai sót được phát hiện, kiến nghị và giải quyết kịp thời, giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, được nhân dân đồng tình.

Tăng tính bền vững

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự… Thông qua tuyên truyền, vận động, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu mét vuông đất để làm đường, các công trình dân sinh. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được hơn 12 tỷ đồng, vận động an sinh xã hội được hơn 40 tỷ đồng. Từ các nguồn này đã xây dựng, sửa chữa được hơn 700.000 nhà đại đoàn kết. Hằng năm, MTTQ Việt Nam các cấp còn chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên giám sát các chính sách, dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ kết quả giám sát, các cấp đã có sự điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn mới với cách hỗ trợ nông dân phù hợp hơn.

MTTQ Việt Nam còn chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Với sự vào cuộc tích cực của MTTQ Việt Nam các cấp, sự chung tay của nhân dân, hiện cả nước có 3.420 xã (38,32%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Riêng TP Hà Nội đã có 4 huyện và 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ còn hạn chế; chất lượng giám sát, phản biện xã hội còn khiêm tốn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tuy có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn cần cải thiện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng với đó, công tác giảm nghèo bền vững, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, vận động các nguồn lực xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống dân cư nông thôn… sẽ tiếp tục được MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.