Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển đô thị thông minh luôn lấy người dân là trung tâm

Nhóm PV| 18/09/2018 17:25

(HNMO) - Chiều 18-9, các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio - Hà Nội 2118 đã tham dự các phiên hội thảo chuyên đề, tập trung vào 3 chủ đề chính: Chính quyền số và thanh toán thông minh; chuyển đổi số cho thành phố thông minh cùng các ứng dụng, giải pháp cho thành phố thông minh hơn.

Ông Trần Quốc Thái chia sẻ tại hội thảo


Tại Hội thảo chuyên đề "Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các Thành phố thông minh", ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng 813 đô thị ở nước ta hiện nay đã tích luỹ được bề dày kinh nghiệm trong việc quy hoạch định hướng tổng thể hệ thống đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý cũng như hình thành các mô hình đầu tư phát triển đô thị. Hiện có hơn 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh.

Trong bối cảnh chung của thế giới và trên cơ sở kế thừa các lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng đô thị, hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam".

Đề án đã xác định 7 quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt trong việc phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phát triển đô thị thông minh phải luôn lấy người dân là trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

Ông Thái cung cho biết, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn hiện nay là tập trung xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị (tối thiểu 3 khu đô thị và 3 đô thị). Bộ Xây dựng được giao là cơ quan thường trực của Đề án, phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

Hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Chính quyền số và chiến lược xây dựng Thành phố thông minh", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn đã có bài tham luận về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử tại Hà Nội thời gian qua cũng như xây dựng và định hướng phát triển Thành phố Hà Nội thông minh.


Theo đó, với định hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, việc xây dựng và định hướng phát triển Thành phố thông minh được Hà Nội xác định bằng việc áp dụng các công nghệ ICT để cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm như: Giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm..., nâng cao sự hài lòng của người dân.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề "Chính quyền số và chiến lược xây dựng thành phố thông minh".


Công tác quản lý đô thị tinh gọn thông qua hệ thống thông tin như lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hiệu quả bằng việc xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải...); hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu...

Chia sẻ về xây dựng lộ trình giao thông thông minh tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, Hà Nội đang triển khai 6 nhóm giải pháp đồng bộ, một trong số đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông. Đây cũng là một trong những thành phần quan trọng của xây dựng Thành phố thông minh mà Hà Nội đang triển khai.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Hà Nội đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Viettel, FPT... triển khai các hạng mục xây dựng Thành phố thông minh nói chung và giao thông thông minh nói riêng. Trong đó, thành phố đã phối hợp với các đối tác đưa ra các giải pháp, xây dựng ứng dụng phần mềm phục vụ xây dựng nền tảng giao thông thông minh.

Cốt lõi của xây dựng đô thị thông minh là dữ liệu và xử lý dữ liệu

Cho rằng một trong những khâu quan trọng của hạ tầng thông minh là việc thu thập, phân tích dữ liệu để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh, ông Makoto Yokozawa - Đại học Tokyo (Nhật Bản) nêu quan điểm, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp hiện nay, các thành phố đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng để xây dựng đô thị thông minh. “Việc phân tích dữ liệu sẽ giúp nâng cao hiệu quả thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu một cách chuyên sâu của các thành phố” - ông Makoto Yokozawa nhấn mạnh.

Cùng tham gia Hội thảo chuyên đề "Dữ liệu định hướng: Thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố"  Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh có cùng quan điểm khi cho rằng, cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng đô thị thông minh là dữ liệu và xử lý dữ liệu. “Dữ liệu sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các quyết định, kiểm soát, quản lý hữu hiệu hơn các rủi ro” - ông Thanh khẳng định. Lấy kinh nghiệm từ Đà Nẵng, ông Thanh phân tích: “Thông qua tổng đài 1022, mạng xã hội, góp ý của người dân qua Cổng Góp ý của thành phố... dữ liệu được xử lý thông qua các công cụ tổng hợp, phân tích. Từ đó đưa ra điểm báo các vấn đề nổi cộm để lãnh đạo thành phố tập trung xử lý”.

Các chuyên gia cũng thống nhất, hạ tầng công nghệ thông tin luôn luôn phải đi trước để có điều kiện thu thập thông tin, dữ liệu. Bên cạnh đó cần có các cơ chế mở nhằm đảm bảo chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các địa phương, giữa địa phương với các cơ quan quản lý, bộ ngành. Tuy nhiên muốn kiểm soát dữ liệu, thông tin xã hội tránh được các rủi ro, đồng thời sử dụng hiệu quả dữ liệu trong một đô thị thông minh cũng không hề dễ dàng. Thu thập dữ liệu là điều kiện cốt lõi, là lợi thế của hệ thống thông minh nhưng cũng là thách thức đối với các nhà quản lý.

Như vậy, đến chiều 18-9, có 6 hội thảo chuyên đề đã kết thúc với những thảo luận sôi nổi từ các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio - Hà Nội 2018. Với 3 chủ đề chính được các đại biểu, diễn giả tập trung thảo luận, những kinh nghiệm, giải pháp đưa ra sẽ mang lại không chỉ cho Hà Nội, mà còn với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Những giải pháp giải quyết các vấn đề của thành phố dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những kinh nghiệm thực tế triển khai, những mô hình hợp tác công - tư hiệu quả và những tư vấn cho một hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành phố thông minh thành công, phù hợp với thực tế của từng địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị thông minh luôn lấy người dân là trung tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.