Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

NGUYỄN LÊ| 15/10/2018 07:09

(HNM) - Thừa nhận công tác cải cách hành chính từ đầu năm đến nay chưa thật sự đột phá, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ giao việc cụ thể, sản phẩm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.

Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp

Có mặt tại bộ phận "một cửa" thuộc Phòng Kinh tế (UBND quận 3) vào lúc 7h30 để đăng ký hộ kinh doanh cá thể, anh Nguyễn Văn Thanh bất ngờ khi nghe cán bộ tiếp nhận hồ sơ dặn: "Nếu anh muốn nhận kết quả ngay thì chờ đến 11h30 sẽ có kết quả cho hồ sơ của anh". Theo anh Thanh, việc giải quyết hồ sơ hành chính nhanh gọn như trên là điều mà bất kỳ ai đến cơ quan công quyền đều mong muốn, nên dù bận công việc anh vẫn ở lại để nhận kết quả.

Người dân TP Hồ Chí Minh mong muốn chính quyền thành phố cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.


Thực tế cho thấy, đây là chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác cải cách hành chính của UBND quận 3. Tuy nhiên, sự chuyển biến này lại chưa đồng bộ ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Các quận, huyện sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ khác nhau.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của quận Bình Tân đạt 47%, quận Bình Thạnh đạt 45%, nhưng cũng có quận, huyện chỉ đạt vài phần trăm, kéo tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trung bình 24 quận, huyện chỉ đạt 11%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với yêu cầu đặt ra của UBND thành phố.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thực hiện ở một số sở, ngành và quận, huyện để "đo lường" sự hài lòng của người dân đối với công tác cải cách hành chính tại cơ quan công quyền cho thấy, có tới 50% người dân được khảo sát cho biết chỉ mới "hài lòng ở mức độ vừa phải hoặc chưa hài lòng". Trong khi đó, dù hồ sơ trễ hẹn còn nhiều, có quận trễ hẹn hàng nghìn hồ sơ nhưng từ đầu năm đến nay chỉ thực hiện được 6 thư xin lỗi.

Trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải giải quyết tới 14 triệu hồ sơ hành chính các loại. Do đó, công tác cải cách, tinh giản thủ tục hành chính và áp dụng dịch vụ công trực tuyến là yêu cầu bắt buộc tại mỗi cơ quan, đơn vị. Hiện thành phố đã thực hiện được 655 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 112 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 4. So với năm 2017, tỷ lệ hồ sơ hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng từ 32% lên 38%.

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, một trong những nguyên nhân khiến công tác cải cách hành chính của thành phố chưa có sự chuyển biến đột phá và đồng bộ là do người đứng đầu của nhiều cơ quan, đơn vị không quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc và kiểm soát quy trình công tác của cấp dưới. Nhiều cơ quan, đơn vị còn lơ là, buông lỏng việc sửa đổi, tinh giản quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 9 tháng năm 2018 về thực hiện công tác cải cách hành chính diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhận định, nhiều lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện chưa nắm vững quy trình công tác nên thường phó mặc cho cấp dưới xử lý mà không kiểm tra lại. Thủ trưởng không ít cơ quan, đơn vị không quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, không chủ động học hỏi, áp dụng mô hình cải cách hành chính đã thành công ở các đơn vị khác.

Qua đó, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố sẽ sớm đưa ra bộ tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, ai có một trong các biểu hiện trên là chưa làm tròn trách nhiệm; từ hai biểu hiện trở lên sẽ bị xem xét trách nhiệm người đứng đầu; mắc phải 50% các khuyết điểm đã nêu sẽ bị xem xét xử lý và có thể bị luân chuyển công tác.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, để cải cách hành chính đạt kết quả cao thì việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành là rất quan trọng. Cùng với đó là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các địa phương.

"UBND thành phố đang chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5-5-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tinh giản bộ máy của nhiều cơ quan, đơn vị như sắp xếp lại ban quản lý các dự án, ban quản lý các khu đô thị", ông Nguyễn Thành Phong cho hay.

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã giao việc cho từng sở, ngành, quận, huyện trong một quý phải làm những gì, sản phẩm nào. Bản thân các sở, ngành, quận, huyện khi duyệt kế hoạch công tác cũng phải cụ thể, rõ người, rõ việc. Đơn vị nào không hoàn thành sản phẩm cụ thể của quý đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố.

"Chỉ có thể thông qua sản phẩm cụ thể mới đánh giá được hiệu quả công việc và đây cũng là cơ sở để truy trách nhiệm của người đứng đầu", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.