Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào giảm xâm hại đê điều?

Kim Nhuệ| 22/10/2018 06:35

(HNM) - Mặc dù các cấp, ngành liên tục chỉ đạo, đôn đốc xử lý, ngăn chặn nhưng tình hình vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.

Trạm trộn bê tông của Công ty Sông Đà - Việt Đức nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng, đoạn qua phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Ảnh: Nhuệ Kim


Vi phạm tiếp tục phát sinh

Từ đầu năm 2018 đến nay, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) để xảy ra 10 vụ xây dựng nhà lưới trồng hoa trong hành lang thoát lũ sông Hồng, vi phạm pháp luật đê điều. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Tiến Mừng lý giải, diện tích tự nhiên của xã nằm trọn trong phạm vi hành lang thoát lũ sông Hồng. Theo quy định của Luật Đê điều, tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn xã đều phải xin giấy thỏa thuận của Sở NN&PTNT Hà Nội.

Tuy nhiên, do chưa nắm được quy định này và “ngại” đến cơ quan nhà nước để làm các thủ tục nên người dân, thậm chí có cả một số doanh nghiệp, cơ quan chưa chấp hành quy định; thậm chí có phản ứng quyết liệt khi bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công…

Trong khi đó, giải thích về nguyên nhân phát sinh 13 vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, thực tế một số đoạn đê đi qua khu dân cư sinh sống từ lâu đời và chưa được cắm mốc giới hành lang bảo vệ nên một số gia đình đã tự ý đổ đất, xếp bao tải đất vào mái đê, làm lối lưu thông từ nhà lên mặt đê…

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, năm 2016 trên địa bàn thành phố xảy ra 233 vụ vi phạm pháp luật đê điều (xử lý được 75 vụ). Năm 2017 xảy ra 190 vụ, giảm 43 vụ so với năm 2016 (xử lý được 28 vụ). Vi phạm xảy ra tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Gia Lâm... Đáng nói, vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra nhiều nhưng việc xử lý của chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, thậm chí né tránh... Vì vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh tiếp 170 vụ vi phạm pháp luật đê điều, mới xử lý được 25 vụ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Hồng Minh cho biết, so với những năm trước đây, số vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê đã giảm; tuy nhiên, số vụ phát sinh vẫn còn lớn, chưa đáp ứng yêu cầu của thành phố về phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

Ông Trần Hồng Minh cũng thông tin thêm, qua kiểm tra một số trường hợp vi phạm cho thấy, hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do khi cấp, địa phương đã không xem xét đến Luật Đê điều. Tình trạng nhà dân có đầy đủ giấy tờ lại nằm trong hành lang bảo vệ đê… đã khiến cho việc xử lý khó khăn thêm.

Cần giải pháp đồng bộ

Tập kết vật liệu xây dựng dọc bờ sông Hồng, đoạn xã Phong Vân, huyện Ba Vì.


Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, ngày 10-10-2018, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiên quyết xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm mới phát sinh, vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông; tăng cường quản lý bãi bồi ven sông; thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật...

Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đề xuất, để Sở tham mưu UBND thành phố ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ công tác quản lý đê điều, như: Cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê điều, xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê; xây dựng các tuyến kè kết hợp làm đường ven sông để vừa ngăn chặn tình trạng đổ chất thải xây dựng lấn chiếm bãi sông, lòng sông, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường...

Hiện các quận, huyện, thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thành công tác xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều tồn đọng, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm mới…

Từ thực tiễn giải quyết vi phạm, các địa phương cũng đề xuất các cấp, ngành sớm ban hành hướng dẫn trình tự thủ tục thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đê điều và công trình thủy lợi theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Theo đại diện UBND huyện Gia Lâm, với đặc thù có nhiều khu dân cư tồn tại trên hành lang thoát lũ, nên để người dân chủ động xin thỏa thuận xây dựng theo quy định các thủ tục hành chính cần đơn giản hóa hơn nữa... Ngoài ra, phương pháp thống kê số vụ vi phạm pháp luật đê điều cũng nên sửa đổi theo hướng chỉ thống kê những vụ việc có tính chất xâm hại trực tiếp công trình đê điều, cho phù hợp thực tiễn địa phương nằm ngoài bãi sông.

Tương tự, đại diện UBND quận Tây Hồ cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm phê duyệt đề án sử dụng đất ven sông Hồng, để vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý đê điều ở địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách…

Được biết, bên cạnh việc xử lý đối với công trình vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra thành phố làm rõ trách nhiệm và xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan… Sở Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ, làm rõ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức có liên quan, báo cáo UBND thành phố xử lý những quận, huyện, thị xã để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đê điều nhưng không kiên quyết xử lý hoặc xử lý không dứt điểm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào giảm xâm hại đê điều?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.