Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh “ném đá ao bèo”!

Thu Trang| 23/10/2018 06:27

(HNM) - Trong 3 ngày đầu kể từ khi quy định của Chính phủ về tăng mức phạt không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn có hiệu lực, tại nhiều tuyến phố của Thủ đô, không khó bắt gặp hình ảnh những món ăn như: Bánh cuốn, bún, phở, cháo, bánh mỳ pa tê… không được che đậy, nằm “phơi” trên hè phố...

Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn sẽ giúp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Sơn Hà


Phớt lờ quy định

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong 3 ngày đầu (từ 20 đến 22-10) quy định trên có hiệu lực, tại nhiều tuyến phố của Thủ đô, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều quán hàng, thức ăn đường phố, những món ăn như: Bánh cuốn, bún, phở, cháo, bánh mỳ pa tê… không được che đậy, nằm “phơi” trên hè phố, ngay cạnh cống rãnh, mặc cho bụi bẩn, khói bụi từ xe cộ qua lại. Còn người bán hàng, nhân viên phục vụ vẫn vô tư dùng tay không bốc, chế biến món ăn. Cũng có những chủ quán tuy đã đeo găng tay, nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vừa lấy tiền, trả lại cho khách. Thậm chí, họ vừa đeo găng tay, vừa cầm giẻ lau bàn…

Sáng 21-10, quán phở ở phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm) nằm trên đoạn ngõ nhỏ, ẩm ướt dưới gầm cầu Long Biên vẫn rất đông khách. Thoáng nhìn đã thấy nhiều công đoạn chế biến, vệ sinh dụng cụ ở quán không bảo đảm an toàn và nhân viên bán hàng dùng tay không bốc bánh phở cho vào bát. Tương tự, tại cửa hàng bánh cuốn gia truyền trên phố Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm), các thực phẩm: Giò, chả, nhân bánh… đều được bày lộ thiên trên chiếc thùng nhựa tạm bợ. Nhân viên bán hàng dùng tay không cắt giò, chả, bốc bánh cuốn bỏ vào đĩa.

Chiều 21-10, tại quầy bánh mỳ pa tê trên phố Hàng Khoai, khu vực cạnh chợ Đồng Xuân, một phụ nữ dùng tay trần cầm ổ bánh mì rồi bốc thịt, rau bỏ vào đó. Tiếp đến, người này nhận và trả tiền thừa cho khách, sau đó lau tay vào chiếc khăn cáu bẩn để bên cạnh, tiếp tục phục vụ. Và quy trình cứ lặp lại như vậy, mà không biết đến sự tồn tại của găng tay ni lông. Khi được hỏi về quy định xử phạt khi không đeo găng tay, người phụ nữ này cho biết: “Bình thường tôi vẫn đeo găng tay khi làm bánh cho khách, nhưng lúc đông, khách lại giục nên không kịp đeo”. Cách đó không xa, chị bán bún nem, bún đậu cũng thò cả bàn tay nhem nhuốc bốc bún, rau sống cho khách… Tại các quầy bán giò chả, thịt quay ở khu vực chợ trên phố Hòe Nhai (quận Ba Đình), tình trạng người bán hàng dùng đôi tay trần thái, chặt và bốc thịt chín bỏ vào từng hộp xốp cũng diễn ra phổ biến…

Trên địa bàn phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 35 hộ nhỏ lẻ kinh doanh thức ăn đường phố. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo, trong 9 tháng năm nay, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của phường đã xử lý 19 cơ sở vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm, không lưu mẫu thức ăn… Riêng với hành vi không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, cơ quan chức năng của phường mới chỉ xử phạt 8 trường hợp. Còn tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), dù công tác xử lý vi phạm an toàn thực phẩm đã được tăng cường, song theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND phường, việc xử lý vi phạm chủ yếu được áp dụng với các nhà hàng, điểm kinh doanh cố định.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt

Nhân viên quán phở trên phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm) dùng tay trần bốc bánh phở.


Trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, nhiều quán hàng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhưng vẫn có “đất sống”. Nguyên nhân là chính quyền địa phương một số nơi chưa quyết liệt, còn nể nang trong xử phạt vi phạm. Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Để đưa thức ăn đường phố vào “khuôn khổ”, ông Trần Ngọc Tụ cho rằng, không chỉ xử lý vi phạm quy định đeo găng tay dùng một lần khi tiếp xúc với thức ăn ngay của người kinh doanh, cơ quan chức năng từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào chế biến, nguồn nước sử dụng; phụ gia thực phẩm; giá kệ đựng thực phẩm; tủ che đậy thức ăn… tại các quán hàng.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quy định bắt buộc đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín là rất cần thiết. Bởi qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, bàn tay và tiền, nhất là tiền mệnh giá nhỏ của người kinh doanh đường phố chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Do đó, thói quen dùng tay trần bốc thức ăn, đếm tiền của người bán thức ăn đường phố mang rất nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột cho người ăn. Trước đây, chúng ta thiếu lực lượng kiểm tra, nên chủ yếu là vận động, tuyên truyền, nhắc nhở và trông chờ vào ý thức tự giác của người bán hàng. Hiện tại, nhiều địa phương đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, xã, phường, nếu làm quyết liệt sẽ thực hiện được.

Quy định đã rõ, song việc tuân thủ có nghiêm hay không, không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của người kinh doanh, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của lực lượng chức năng và của chính người tiêu dùng, tránh tình trạng “ném đá ao bèo”.

Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ găng tay sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là găng tay hợp vệ sinh, được sử dụng một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhà hàng lớn tới quán hàng rong nơi hè phố, nhân viên thường dùng đi dùng lại găng tay. Thậm chí, họ còn sử dụng duy nhất một đôi găng tay trong suốt cả ngày để tiếp xúc với đồ ăn... 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh “ném đá ao bèo”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.