Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm kinh doanh xăng dầu: Nguy cơ cháy, nổ khó lường

Tiến Thành| 10/11/2018 07:51

(HNM) - Xăng dầu, khí hóa lỏng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn còn không ít cửa hàng kinh doanh mặt hàng này không đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy...

Nhân viên một cửa hàng xăng dầu ở quận Long Biên thực hành sử dụng bình chữa cháy.


Nhiều cơ sở không bảo đảm quy định

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) trong số 1.147 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố “Quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực”, có 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 1 trạm nạp khí hóa lỏng chưa bảo đảm yêu cầu.

Ngoài ra, từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã kiểm tra 32 đơn vị, cơ sở kinh doanh xăng dầu; xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với số tiền 31 triệu đồng. Đồng thời, phòng đã kiểm tra 24 trạm cấp, nạp khí; 75 cửa hàng kinh doanh khí hóa lỏng dạng chai, xử phạt hành chính 55 trường hợp với 525 triệu đồng. UBND các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn 365 cửa hàng và ra quyết định đình chỉ hoạt động 107 cửa hàng.

Lý giải nguyên nhân có nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng bị xử lý, Đại úy Đỗ Thái Sơn, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) nhận định, một số cơ sở đã tồn tại 20-30 năm, trước khi có các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ngoài ra, các cửa hàng, cơ sở xây dựng trong những năm gần đây thường có những lỗi liên quan đến lập hồ sơ quản lý, bố trí lao động chưa qua lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, điều kiện về an toàn phương tiện chữa cháy; hệ thống điện chưa được quan tâm đúng mức... Một số cơ sở khi xây dựng không bảo đảm khoảng cách đến công trình dân dụng, khu vực đông dân cư... Những nguyên nhân này có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ như đã xảy ra tại cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) vào năm 2013.

Cũng theo Đại úy Đỗ Thái Sơn, về khách quan, trong cửa hàng xăng dầu có nhiều vị trí có nguy cơ cháy, nổ cao như: Vị trí xuất, nhập xăng dầu vào bồn chứa; vị trí bơm rót xăng dầu cho phương tiện; vị trí vòi bơm tiếp xúc với miệng bình xăng phương tiện..., chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Xử lý vi phạm, nâng ý thức tự phòng ngừa

Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Công văn 4592/SCT-QLTM về hoàn thiện, khắc phục các tồn tại liên quan đến hồ sơ phòng cháy, chữa cháy của 61 cửa hàng xăng dầu. Theo đó, 18 cửa hàng đã có sự hướng dẫn của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần nhanh chóng khắc phục. Với 43 cửa hàng chưa giải quyết vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, phải nhanh chóng liên hệ với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để được hướng dẫn. Trường hợp các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, khi hết hạn giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, Sở Công Thương sẽ không cấp giấy chứng nhận mới và yêu cầu cửa hàng dừng hoạt động đến khi khắc phục xong các tồn tại.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cảnh báo, với tính chất đặc thù, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng phải tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh này để phát hiện vi phạm, kiên quyết yêu cầu khắc phục các tồn tại. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng sẽ cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất biện pháp khắc phục các tồn tại, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng.

Song, điều quan trọng nhất, theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, là công tác tự phòng ngừa của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng. Trong đó, chủ các cơ sở phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn.

"Các cơ sở phải thực hiện đúng quy trình nhập, xuất xăng dầu, như: Tạm dừng bán hàng, lập hàng rào cách ly xung quanh khu vực xe bồn, bố trí người và phương tiện chữa cháy túc trực... Ngoài ra, để xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ cần được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã trang bị để xử lý hiệu quả các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra" - Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm kinh doanh xăng dầu: Nguy cơ cháy, nổ khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.