Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ân tình và trách nhiệm

Hà Hiền| 11/11/2018 06:53

(HNM) - Đi vào hoạt động từ năm 1978 đến nay, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, xã Viên An (huyện Ứng Hòa) là ngôi nhà chung, gia đình lớn của nhiều người có công trên địa bàn TP Hà Nội.

Chị Dương Thị Hương, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô.


Gia đình lớn

Mỗi lần đến Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (Trung tâm) là một lần chúng tôi có dịp cảm nhận rõ hơn sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội đến người có công và thân nhân của họ. Ngoài hệ thống cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bảo đảm cho người có công được chăm sóc tốt nhất cả về thể chất và tinh thần, nơi đây còn ấm áp không khí của một gia đình lớn.

Vào những ngày đầu tháng 11, tiết trời chuyển từ mùa thu sang mùa đông, lúc nắng hanh hao, khi trở gió lạnh khiến sức khỏe của những người có công tại Trung tâm bị ảnh hưởng phần nào. Hiểu rõ thể trạng và tính cách của từng người, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô, sinh năm 1922, đến từ xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) ở phòng D04 có biểu hiện khó chịu trong người, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng liền đo huyết áp, xoa bóp chân tay hoặc lấy sữa, đồ ăn bón cho cụ. Dù nằm bất động, không thể nói được, cụ Trần Thị Đỗ là vợ liệt sĩ và Bùi Thị Nấu là con liệt sĩ ở phòng D06 vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong mọi sinh hoạt thường nhật.

Những người khỏe hơn như cụ Vương Thị Là, Trần Thị Mí ở phòng D08, cụ Đỗ Thị Bức ở phòng D24, Nguyễn Thị Đình ở phòng D26… cũng được đội ngũ nhân viên y tế, điều dưỡng chia sẻ thường xuyên. Thông qua các sinh hoạt thường nhật, các câu chuyện chung, chuyện riêng, những người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm hiểu nhau, gắn kết với nhau như người thân trong gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Hương, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng cho hay, đa số người có công đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Do đó, bất kể ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày Tết, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn dành sự quan tâm, chăm sóc người có công bằng tất cả ân tình và trách nhiệm cao cả, thiêng liêng, giúp người có công vơi đi nỗi đau, vui sống tuổi già.

Chăm sóc tận tình

Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng thường xuyên gần 50 người có công, hằng năm, Trung tâm tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hàng nghìn người có công trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác.

Để người có công được chăm sóc tốt nhất, Trung tâm quan tâm bổ sung, hoàn thiện quy trình tổ chức, đổi mới cách thức hoạt động. Trước mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm cử cán bộ về cơ sở, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức đưa, đón người có công. Khi người có công đến Trung tâm, cán bộ, nhân viên luôn tiếp đón với thái độ ân cần, niềm nở, tôn kính. Trong thời gian điều dưỡng, người có công được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập thể dục với các trang thiết bị hiện đại, phù hợp; ngâm chân bằng thuốc bắc kết hợp với xoa bóp, trị liệu...

Trong sinh hoạt, người có công được hỗ trợ chu đáo từ những việc rất nhỏ. Chẳng hạn, những người thân thiết, tình trạng sức khỏe tương tự nhau được bố trí ở cùng phòng, mỗi phòng từ 2 đến 3 người. Các món ăn được chuẩn bị theo sở thích, phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người.

Trước mỗi bữa ăn, cán bộ Trung tâm đến các phòng chào hỏi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý để kịp thời khắc phục, điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, nói chuyện thời sự, đưa người có công đi tham quan, tìm hiểu các địa danh lịch sử, văn hóa…

Đến Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, chúng tôi còn được nghe và biết đến nhiều chuyện cảm động khác. Đó là việc Trung tâm đứng ra gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng cho các cụ không còn minh mẫn, giúp họ giữ được số tiền tích cóp sau nhiều năm. Khi người có công “khuất núi”, cán bộ, nhân viên Trung tâm đứng ra lo tang lễ chu toàn. Những cụ không có người thờ tự, Trung tâm đảm nhận luôn trách nhiệm cúng giỗ…

“Trong hành trình 40 năm hoạt động (1978-2018), Trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng thường xuyên hơn 100 người có công, tổ chức điều dưỡng luân phiên cho gần 40.000 lượt người. Dù là đối tượng nào, Trung tâm cũng lấy niềm vui, sự hài lòng của họ làm thước đo hiệu quả hoạt động”, ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc Trung tâm khẳng định.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, sự đổi mới trong quá trình hoạt động của Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 và các trung tâm khác trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, tri ân người có công, đưa Hà Nội trở thành điểm sáng trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ân tình và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.