Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả hoạt động thừa phát lại

Thanh Tàu| 16/11/2018 07:20

(HNM) - Thời gian qua, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính.


Hiệu quả bước đầu

Có mặt tại Văn phòng Thừa phát lại quận 5 (TP Hồ Chí Minh), chị L.T.M.H (quận 5) cho biết, hàng xóm vừa khởi công làm nhà nên chị đã mời cán bộ văn phòng thừa phát lại xuống ghi nhận hiện trạng căn nhà của mình, để khi có tình huống xảy ra có cơ sở xử lý. Tương tự, anh Phạm Đăng Lý (quận Tân Bình) cho hay: “Có những việc trước đây khi gia đình tôi cần người làm chứng không biết kêu ai, gọi công an hoặc đại diện UBND phường cũng khó vì chưa thiệt hại gì nên không có người đến. Nay có dịch vụ thừa phát lại, giống như công an “tư”, sẽ tốt hơn nhiều”.

Người dân đến Văn phòng Thừa phát lại quận 5, TP Hồ Chí Minh nhờ hỗ trợ, tư vấn pháp lý.


Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, hiện nay, toàn thành phố có 11 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động với tổng số 106 thừa phát lại hành nghề, 111 thư ký nghiệp vụ thừa phát lại và 80 nhân viên khác. Đặc biệt, các văn phòng thừa phát lại đã thụ lý 24 vụ việc thi hành án theo yêu cầu của đương sự với số tiền trên 46 tỷ đồng.

Mặc dù thời gian qua các văn phòng thừa phát lại đã nỗ lực xây dựng hình ảnh tốt trong lòng người dân thành phố, nhưng vẫn còn một số văn phòng cố tình lập vi bằng mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, giao nhận tiền để che giấu mục đích xấu, không phù hợp với quy định của pháp luật. Hành vi này khiến nhiều người dân "tan cửa, nát nhà" vì mua nhà đất theo dạng lập vi bằng.

Đơn cử, tháng 1-2018, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh lập đoàn kiểm tra tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn liên quan đến việc lập vi bằng của văn phòng này. Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đây, trong đó có việc cố tình lập vi bằng khi biết người tham gia lập vi bằng để mua, bán nhà đất, thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền. Trước việc này, Sở Tư pháp đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn trong 3 tháng để chấn chỉnh, khắc phục sai phạm.

Cần hoàn thiện các quy định pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 5 cho biết, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thừa phát lại để mọi người được biết, bên cạnh cơ quan thi hành án dân sự, người dân có quyền yêu cầu văn phòng thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các văn phòng thừa phát lại và các cơ quan thi hành án dân sự, sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án do thừa phát lại cung cấp nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Thi hành án.

Cũng theo ông Phạm Quang Giang, thời gian tới cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về thừa phát lại. Trước mắt nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 và Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ. Trong đó, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý và thẩm quyền của thừa phát lại; sửa đổi, bổ sung các quy định về văn phòng thừa phát lại, quy định liên quan đến hoạt động tống đạt, lập vi bằng, xác định điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án... Về lâu dài, cần ban hành Luật Thừa phát lại đồng bộ với các luật khác.

Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cho hay, việc thực hiện chế định thừa phát lại đòi hỏi sự thống nhất của tất cả các ngành, do vậy cần ban hành các văn bản chỉ đạo về tổ chức thực hiện chế định thừa phát lại. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện chế định thừa phát lại tại địa phương; đẩy mạnh theo chiều sâu trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về mục đích, ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện chế định này để các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân hiểu, tin tưởng vào hoạt động của các văn phòng thừa phát lại. Ngoài ra, nên bỏ quy định về địa hạt hoạt động thừa phát lại, vì quy định này làm cho hoạt động thừa phát lại bị giới hạn, co cụm...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thừa phát lại, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về thừa phát lại và quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp và hỗ trợ hoạt động thừa phát lại, đặc biệt là việc hỗ trợ hoạt động tống đạt; đồng thời kịp thời thông tin cho Sở Tư pháp biết những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động này tại địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả hoạt động thừa phát lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.